Đường dẫn truy cập

Bắc Triều Tiên hy vọng Trung Quốc ngưng tán đồng việc áp đặt chế tài


Lãnh tụ Bắc Triều Tiên trong một chuyến đi thị sát đến một cơ sở công nghệ tại Bình Nhưỡng.
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên trong một chuyến đi thị sát đến một cơ sở công nghệ tại Bình Nhưỡng.

Một số nhà phân tích cho rằng việc Bắc Triều Tiên bác bỏ một thoả thuận hạt nhân kiểu Iran có thể là dấu hiệu cho thấy chế độ Kim Jong Un đang hy vọng là Trung Quốc rốt cuộc sẽ ngưng ủng hộ lập trường của Mỹ đối với những biện pháp chế tài kinh tế nghiêm ngặt đối với Bình Nhưỡng.

Ông Daniel Pinkston, một nhà phân tích tình hình Bắc Triều Tiên của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế ở Seoul, nói rằng Bình Nhưỡng đã làm một bài toán chính trị với kết quả là Hoa Kỳ không thể nào duy trì sự ủng hộ vô thời hạn của các nước khác, nhất là Trung Quốc, đối với những sự trừng phạt nhắm vào Bắc Triều Tiên.

Ông Pinkston nói: "Bình Nhưỡng đã đặt cược. Họ tin rằng họ có thể tham gia một cuộc chơi lâu dài và sự mệt mỏi về chế tài sẽ bắt đầu xuất hiện và rốt cuộc phần còn lại của thế giới sẽ bỏ cuộc".

Hôm qua, Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc, ông Jang Il Hun, đã nhắc lại lập trường của nước ông là chương trình vũ khí hạt nhân là thiết yếu để bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia trước mối đe dọa của một vụ tấn công bằng vũ khí hạt nhân hoặc một cuộc xâm lăng của Mỹ.

Ông Jang cho biết: "Chúng tôi sẽ không từ bỏ các loại vũ khí hạt nhân của mình và sứ mạng của các lực lượng hạt nhân của nước tôi sẽ không bao giờ thay đổi nếu chính sách thù địch của Hoa Kỳ vẫn giữ nguyên".

Trong khi đó, Bắc Triều Tiên dường như cũng đang tìm cách cải thiện quan hệ với Bắc Kinh, những mối quan hệ đã bị sút giảm phần nào kể từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền vào năm 2011.

Nhân vật lãnh đạo trẻ tuổi này cho đến nay vẫn chưa đi thăm Trung Quốc, là đồng minh quan trọng nhất đồng thời là đối tác thương mại và là nguồn lương thực và nhiên liệu lớn nhất của Bình Nhưỡng.

Trung Quốc đã chính thức tạo xích mích với Bắc Triều Tiên vào năm 2013 qua việc ủng hộ những biện pháp chế tài chống lại Bình Nhưỡng sau khi quốc gia bị cô lập này thực hiện vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ ba.

Hồi đầu tuần này, ông Kim Jong Un đã vinh danh những binh sĩ Trung Quốc chiến đấu bên cạnh binh sĩ Bắc Triều Tiên trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên hồi đầu thập niên 1950. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã tới thăm các thành phố giáp với Bắc Triều Tiên, một hành động mà một số nhà phân tích cho là để cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng.

Trước khi đạt được thoả thuận hạt nhân với Iran, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cho biết Washington và Bắc Kinh đang thảo luận về khả năng áp dụng thêm các biện pháp chế tài nhằm gây sức ép đòi Bắc Triều Tiên tái tham gia cuộc đàm phán 6 bên để kiềm chế chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Một số nhà phân tích tình hình Bắc Triều Tiên đã bày tỏ nghi ngờ đối với ý kiến cho rằng Bắc Kinh sẽ gây thêm áp lực đối với Bình Nhưỡng. Những người này nói rằng điều đó sẽ làm tăng số người Bắc Triều Tiên vượt biên sang Trung Quốc để tìm lương thực và công ăn việc làm, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trong khu vực biên giới, và thậm chí có thể đe dọa tới sự ổn định của chế độ Bình Nhưỡng.

Những hoạt động mậu dịch biên giới giữa Bắc Triều Tiên với Trung Quốc đã gia tăng trong thời gian gần đây. Điều này đã có ích cho sự cải thiện nền kinh tế của Bắc Triều Tiên và sự ổn định của chế độ Kim Jong Un.

Ông Pinkston nêu ra rằng mặc dù Trung Quốc muốn thấy một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân, họ không muốn kích động một cuộc nổi dậy của dân chúng có thể vượt khỏi ranh giới của Bắc Triều Tiên.

Ông Pinkston nói: "Việc lật đổ những kẻ độc tài ở Bình Nhưỡng có thể mang lại cho người dân Trung Quốc những ý tưởng sai lầm".

Ông Pinkston cũng cho rằng Đặc sứ Hoa Kỳ Sydney Seiler, người đang đi thăm vùng Đông Bắc Á trong tuần này, có lẽ sẽ tìm cách duy trì sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với các biện pháp chế tài thay vì vận động cho việc gây thêm sức ép lên Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, Bắc Triều Tiên dường như đã quyết định tiếp tục chống lại cộng đồng quốc tế qua việc nâng cấp cơ sở chính mà họ dùng để phóng phi đạn.
Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc Liên Hiệp Quốc không cho phép Bắc Triều Tiên thử nghiệm phi đạn đạn đạo, nhưng Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc mới đây tuyên bố ông không thể loại bỏ khả năng là Bình Nhưỡng có thể phóng thử nghiệm một phi đạn đạn đạo tối tân vào tháng 10 tới đây.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG