Đường dẫn truy cập

Tấn công sắc tộc gần biên giới Miến - Trung Quốc, 30 chết


Bà Suu Kyi lên nắm quyền vào năm 2015 với những lời hứa hòa giải dân tộc.
Bà Suu Kyi lên nắm quyền vào năm 2015 với những lời hứa hòa giải dân tộc.

Chính phủ Myanmar cho biết có khoảng 30 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa các phần tử sắc tộc nổi dậy và lực lượng an ninh Myanmar trong khu vực bất ổn dọc theo biên giới với Trung Quốc hôm thứ Hai. Đây là một đòn giáng mạnh vào mục tiêu đạt thỏa thuận hòa bình với người thiểu số của nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi.

Chính phủ chưa tròn một tuổi của bà Suu Kyi đang ngày càng bị bao vây bởi những người sắc tộc thiểu số nổi dậy, phải đương đầu với một liên minh các lực lượng dân quân ở miền bắc và cuộc nổi dậy mới của người Rohingya chống lại sự đàn áp kéo dài nhiều thập niên ở vùng tây bắc Myanmar.

Vụ tấn công xảy ra sau khi khôi nguyên Nobel Hòa Bình gặp một phái đoàn các nhóm vũ trang sắc tộc hồi tuần rồi để thuyết phục họ tham gia vào một hội nghị hòa bình lớn. Bà Suu Kyi lên nắm quyền vào năm 2015 với những lời hứa hòa giải dân tộc. Cuộc họp nhằm đưa ra động lực mới cho tiến trình hòa bình bị gián đoạn.

Trong tuyên bố đưa ra vào cuối ngày thứ Hai phản ứng về cuộc tấn công, bà Suu Kyi nói:

“Tôi mạnh mẽ kêu gọi tất cả các bên hãy ngồi vào bàn đàm phán hòa bình bằng cách từ bỏ các cuộc tấn công vũ trang gây ra nhiều thương vong và các vấn đề cho người dân, những người vô tội, và cư dân trong khu vực”.

Các chiến binh của Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (MNDAA), với người gốc Trung Quốc chiếm đa số, đã phát động một cuộc tấn công trước bình minh vào các đồn cảnh sát, quân đội và khu vực hành chánh của chính phủ ở thủ phủ vùng đông bắc Kokang, Laukkai.

Kết quả là có khoảng 30 người thiệt mạng, bao gồm cả thường dân lẫn nhân viên cảnh sát. Chính phủ Myanmar cũng cho biết nhiều khách sạn, xe hơi bị phá hủy và 4 cảnh sát bị bắt làm con tin.

MNDAA là một phần của Liên minh miền Bắc, một liên minh các nhóm nổi dậy bao gồm một trong những lực lượng dân quân mạnh nhất của Myanmar. Quân đội Độc lập Kachin (KIA) và hai nhóm nhỏ hơn đã ở trong tình trạng bế tắc với quân đội Myanmar kể từ cuộc đụng độ ở khu vực Kokang vào năm 2015.

Nhiều người thiệt mạng và hàng chục ngàn người đã chạy trốn trong cuộc giao tranh mà sau đó đã lan sang lãnh thổ Trung Quốc, dẫn đến 5 người Trung Quốc thiệt mạng, khiến Bắc Kinh vô cùng tức giận.

Đài truyền hình nhà nước Myanmar, MRTV, cho biết các chiến binh MNDAA vẫn tiếp tục các cuộc tấn công tại thời điểm bà Suu Kyi đưa ra tuyên bố.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG