Đường dẫn truy cập

Myanmar kêu gọi ‘hành động kinh tế’ trước áp lực gia tăng của phương Tây


Tướng Min Aung Hlaing trong một buổi họp với các quan chức quân đội.
Tướng Min Aung Hlaing trong một buổi họp với các quan chức quân đội.

Truyền thông nhà nước Myanmar hôm 2/23 loan báo nhà lãnh đạo quân đội Myanmar vừa kêu gọi “những nỗ lực nhiệt huyết” nhằm vực dậy nền kinh tế đang suy yếu, giữa lúc các nước phương Tây đang xem xét tăng thêm biện pháp trừng phạt nhằm buộc các tướng lĩnh không được đàn áp bạo lực đối với các cuộc biểu tình dân chủ, theo Reuters.

Lời kêu gọi của chính quyền quân sự được đưa ra sau khi diễn ra một cuộc tổng đình công khiến cho các doanh nghiệp phải đóng cửa hôm 22/2. Đám đông khổng lồ đã tụ tập phản đối cuộc đảo chính ngày 1/2 của quân đội và yêu cầu trả tự do cho nhà lãnh đạo dân cử Aung San Suu Kyi, bất chấp cảnh báo từ chính quyền rằng việc đối đầu có thể dẫn đến mất mạng.

Những người phản đối cuộc đảo chính đã tập hợp trở lại vào ngày 23/2, mặc dù với số lượng ít hơn nhiều.

Truyền thông đưa tin cũng có những cuộc tuần hành nhỏ ủng hộ quân đội, và không có báo cáo về bạo lực.

Tướng chỉ huy quân đội Myanmar, Min Aung Hlaing, trong cuộc họp với hội đồng cầm quyền hôm 22/2, kêu gọi cắt giảm chi tiêu nhà nước và nhập khẩu, đồng thời tăng xuất khẩu.

“Hội đồng cần phải dồn sức vào việc phục hồi nền kinh tế yếu kém của đất nước. Các biện pháp khắc phục kinh tế phải được thực hiện”, truyền thông nhà nước dẫn lời ông Min Aung Hlaing nói.

Quân đội lên nắm quyền sau khi đưa ra cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử ngày 8/11, bắt giữ bà Aung San Suu Kyi và phần lớn lãnh đạo. Ủy ban bầu cử Myanmar đã bác bỏ các khiếu nại về gian lận.

Cuộc khủng hoảng chính trị đang làm gia tăng viễn cảnh về tình trạng cô lập, các nhà đầu tư tỏ ra lo lắng trong lúc đại dịch COVID-19 đang phá hoại ngành tiêu dùng và du lịch của Myanmar.

Tướng Min Aung Hlaing không liên hệ trực tiếp các cuộc biểu tình với những vấn đề kinh tế, nhưng nói rằng chính quyền đang đi theo đường lối dân chủ trong việc giải quyết chúng, và cảnh sát đã sử dụng vũ lực tối thiểu, chẳng hạn như dùng súng bắn đạn cao su, vẫn theo truyền thông nhà nước.

Trên thực tế, các lực lượng an ninh của Myanmar cũng đã thể hiện sự kiềm chế hơn so với các cuộc đàn áp trước đó đối với những người đã thúc đẩy dân chủ trong gần nửa thế kỷ cầm quyền trực tiếp của quân đội.

Mặc dù vậy, vẫn có 3 người biểu tình đã bị giết, trong đó có 2 người bị bắn chết ở thành phố Mandalay vào thứ Bảy, và một phụ nữ chết hôm thứ Sáu sau khi bị bắn hơn một tuần trước đó ở thủ đô Naypyitaw.

Quân đội cho biết một cảnh sát đã chết vì bị thương trong các cuộc biểu tình.

Quân đội cáo buộc những người biểu tình kích động bạo lực, nhưng Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc Tom Andrews cho biết hàng triệu người đã tuần hành hôm thứ Hai trong một cuộc biểu tình “ngoạn mục” cho thấy họ đã sẵn sàng đối mặt với các mối đe dọa quân sự.

“Các vị tướng đang mất dần sức mạnh trong việc đe dọa và cùng với đó là sức mạnh của họ. Đã qua thời họ xuống nước, khi người dân Myanmar vùng đứng lên”, ông Andrews nói trên trang Twitter.

Liên minh châu Âu cho biết họ đang xem xét các biện pháp trừng phạt nhằm vào các doanh nghiệp thuộc sở hữu của quân đội, nhưng khối này đã loại trừ việc cắt giảm các ưu đãi thương mại để tránh làm tổn thương người lao động nghèo.

Hoa Kỳ cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với thêm hai thành viên của quân đội và cảnh báo có thể sẽ có nhiều hành động hơn nữa.

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden trước đây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với quyền tổng thống Myanmar và một số sĩ quan quân đội, cũng như ba công ty trong lĩnh vực ngọc bích và đá quý.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG