Đường dẫn truy cập

Myanmar: Gần 400 người chết vì bạo lực ở Rakhine, nhà cửa bị đốt


Một nhóm người tị nạn Rohingya chạy khỏi Myanmar sang Bangladesh ở Teknaf, Bangladesh, ngày 1 tháng 9, 2017.
Một nhóm người tị nạn Rohingya chạy khỏi Myanmar sang Bangladesh ở Teknaf, Bangladesh, ngày 1 tháng 9, 2017.

Khoảng 400 người đã chết vì bạo lực ở bang Rakhine của Myanmar trong tuần qua, các quan chức quân đội cho biết, nói rằng phần lớn đều là người Hồi giáo nổi dậy.

Một trang Facebook của quân đội báo cáo con số này, nói rằng 370 người là những phần tử nổi dậy, và 29 người thiệt mạng là cảnh sát hoặc dân thường.

Tuy nhiên những người thuộc cộng đồng người Hồi giáo Rohingya thiểu số đã báo cáo những vụ tấn công vào làng mạc của họ làm một số người chết và buộc hàng ngàn người tháo chạy.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm thứ Bảy cho biết hình ảnh vệ tinh chụp hôm thứ Năm ở làng Chein Khar Li thuộc thị xã Rathedaung cho thấy 700 căn nhà bị phá hủy. Tổ chức nhân quyền này nói 99 phần trăm ngôi làng bị phá hủy và những dấu hiệu thiệt hại trông giống như là hỏa hoạn, chẳng hạn như những vệt cháy lớn. "Thế nhưng đây chỉ là một trong 17 địa điểm mà chúng tôi xác định có những vụ cháy," Phil Robertson, phó giám đốc của HRW, nói.

Liên Hiệp Quốc cho biết ít nhất 38.000 người đã tháo chạy khỏi Myanmar sang Bangladesh, phần lớn là người Rohingya. Các nhà lãnh đạo cộng đồng ở Bangladesh nói với VOA rằng một số người Hindu, cũng là sắc dân thiểu số ở Myanmar, đã vượt qua biên giới.

Ông Robertson cho biết Phái bộ Tìm hiểu Thực tế của Liên Hiệp Quốc cần phải có "sự hợp tác đầy đủ" của chính phủ Myanmar để hoàn thành nhiệm vụ của mình là đánh giá các vi phạm nhân quyền ở Bang Rakhine và tìm cách chấm dứt các cuộc tấn công cũng như đảm bảo sự giải trình trách nhiệm.

HRW cho biết những người Rohingya tị nạn gần đây tháo chạy khỏi Myanmar sang Bangladesh nói với tổ chức này rằng quân đội và cảnh sát Myanmar đã đốt nhà của họ và thực hiện những vụ tấn công vũ trang nhắm vào dân làng. Tổ chức này nói nhiều người tị nạn Rohingya có "những vết thương do đạn và mảnh bom."

Các nguồn tin ở Bangladesh nói với Ban Tiếng Bangla của VOA rằng tới 60.000 người đã vượt qua biên giới trong những ngày gần đây.

Myanmar xem người Rohingya là di dân từ Bangladesh, và không phải là một trong nhiều nhóm sắc dân thiểu số của đất nước. Người Rohingya bị từ chối quốc tịch, ngay cả khi họ có thể chứng minh rằng gia đình họ đã sinh sống ở Myanmar từ nhiều thế hệ.

Bạo lực giáo phái giữa người Phật giáo và Hồi giáo thường xuyên bùng lên suốt hơn một thập kỷ qua. Cho tới những vụ tấn công vào tháng trước, tình trạng bạo lực nghiêm trọng nhất diễn ra vào tháng 10 năm ngoái, khi những phần tử nổi dậy tấn công một số đồn cảnh sát, đưa tới một cuộc đàn áp quân sự, khiến hàng ngàn người bỏ chạy sang Bangladesh.

Chính phủ Myanmar bác bỏ cáo buộc ngược đãi người Rohingya và hạn chế cho nhà báo và những người nước ngoài khác tiếp cận Rakhine; nhưng đại sứ của nước này tại Liên Hiệp Quốc nói rằng chính phủ dự định thực thi các khuyến nghị của ủy ban Liên Hiệp Quốc để cải thiện tình hình và chấm dứt bạo lực.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG