Đường dẫn truy cập

Bạo lực bùng nổ ở bang Rakhine, Myanmar


Các cuộc tấn công ở biên giới bang Rakhine, ngày 25/8/2017
Các cuộc tấn công ở biên giới bang Rakhine, ngày 25/8/2017

Quân đội Myanmar cho biết có ít nhất 71 người, trong đó có 12 nhân viên an ninh, bị giết chết khi quân nổi dậy Rohingya phục kích hơn 20 chốt cảnh sát ở phía bắc bang Rakhine.

Chính quyền cho hay, khoảng 150 phần tử nổi dậy, trang bị vũ khí và chất nổ tự chế đã tấn công các chốt cảnh sát vào sáng sớm thứ Sáu 25/8.

Tổ chức mang tên là Đội Quân Cứu rỗi Arakan Rohingya (ARSA) lên tiếng nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công, đồng thời cảnh báo sẽ có nhiều cuộc tấn công khác trong những ngày tới.

Nhóm ARSA, trước đây có tên là Harakah al-Yaqin, hay "Phong trào Niềm tin" nổi lên vào tháng 10 năm ngoái như một lực lượng tuyên bố sẽ dẫn đầu một cuộc nổi dậy đặt căn cứ trên dãy núi May Yu hẻo lánh, giáp ranh với Bangladesh.

Xung đột bùng nổ sau khi một phúc trình về các điều kiện bên trong bang Rakhine được công bố. Phúc trình này được soạn thảo bởi một ủy ban do cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan dẫn đầu.

Phúc trình hối thúc phải có những hành động tức thời để hàn gắn cái hố chia rẽ và bãi bỏ những hạn chế đối với phong trào và quyền công dân của một triệu người Rohingya ở bang Rakhine.

Trong một thông báo hôm thứ Sáu, Liên Hiệp Quốc lên án các cuộc phục kích gây tử vong ở bang Rakhine, và nói rằng vụ việc này tái khẳng định "tầm quan trọng của sự cam kết của chính phủ Myanmar trong việc thực hiện các khuyến nghị của ủy ban do ông Kofi Annan lãnh đạo.

Tổ chức Ân xá quốc tế nói rằng các cuộc tấn công đánh dấu một sự leo thang bạo lực nguy hiểm trong khu vực.

Thông báo của Hội Ân xá Quốc tế có đoạn viết:

"Những cuộc tấn công ấy là một sự leo thang bạo lực nguy hiểm, có thể đặt người dân thường ở bang Rakhine vào tình huống rủi ro, đặc biệt khi những căng thẳng trong khu vực gần đây đã lên tới điểm sôi sục. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên hãy tự chế tối đa và bảo đảm người dân thường được bảo vệ chống những hành động vi phạm nhân quyền và lạm dụng".

Các cuộc tấn công gây chết chóc nhắm vào cảnh sát biên giới đã buộc quân đội phản công, dẫn tới cái chết của hàng chục người và buộc hàng chục ngàn người khác chạy sang Bangladesh lánh nạn.

Liên Hiệp Quốc tố cáo các chiến dịch của lực lượng an ninh Myanmar không khác nào là một cuộc thanh tẩy sắc tộc nhắm vào người Rohingya, thiểu số theo đạo Hồi sinh sống ở Myanmar, một đất nước nơi đa số dân theo Phật giáo.

Quân đội và chính phủ dân sự Myanmar một mực bác bỏ những cáo buộc về các hành vi lạm dụng phổ biến, bao gồm các vụ hãm hiếp và giết người.

Khu vực Rakhine gần Bangladesh nhất đã bị phong tỏa từ tháng 10 năm 2016.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG