Đường dẫn truy cập

Mỹ: Tự do tôn giáo toàn cầu bị hạn chế mạnh


Mặt trăng mọc phía trên thánh giá trên nóc nhà thờ ở Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc.
Mặt trăng mọc phía trên thánh giá trên nóc nhà thờ ở Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc.

Tự do tôn giáo khắp thế giới bị hạn chế mạnh so với năm ngoái, theo kết luận của một cơ quan giám sát ở Mỹ đưa ra hôm thứ Hai.

Ủy ban về Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ nói rằng những chính phủ trên khắp thế giới đang tống giam những tù nhân lương tâm, thường xuyên nhất là người Kitô giáo và người Hồi giáo, vì thực hành những niềm tin tôn giáo của họ, trong khi cùng lúc thái độ bài xích người Do Thái và người Hồi giáo gia tăng ở châu Âu.

Cơ quan độc lập này của chính phủ cho biết "không thiếu những nỗi đau khổ liên quan tới tình trạng này trên toàn thế giới," nói thêm rằng điều này một phần bị thúc đẩy bởi hàng trăm ngàn di dân tìm cách lánh khỏi quê hương của mình sang những nước mới, thường là vì họ bị bức hại vì lý do tôn giáo.

"Việc giam cầm những tù nhân lương tâm, những người mà chính phủ câu lưu vì những lý do mà trong đó có liên quan đến tôn giáo, vẫn còn phổ biến một cách đáng kinh ngạc, xảy ra ở khắp các nước, và nêu bật tác động của những luật lệ và chính sách dẫn đến việc họ bị bỏ tù," báo cáo nói.

Báo cáo nói những trường hợp thiếu tự do tôn giáo "tự thân nó là những cuộc khủng hoảng kêu gọi công đồng quốc tế tiếp tục hành động, kể cả Hoa Kỳ."

Báo cáo cho rằng tự do tôn giáo "xứng đáng có một chỗ ngồi tại bàn khi những quốc gia thảo luận về những vấn đề nhân đạo, an ninh và những vấn đề cấp bách khác. Hoa Kỳ và những nước khác phải trao cho quyền tự do này sự tôn trọng mà nó xứng đáng nhận được và ra sức để bảo vệ quyền tự do trọng yếu này khắp thế giới."

Những điểm nóng về tự do tôn giáo

Ủy ban nêu đích danh 13 nước về những vi phạm đặc biệt nhắm vào những nhóm thiểu số tôn giáo. Báo cáo dẫn ra Trung Quốc, nơi mà những người Kitô giáo bị cầm tù vì từ chối gỡ bỏ thánh giá trên đỉnh nhà thờ; Iran, nơi mà những nhóm thiểu số tôn giáo bị kết án tử hình vì "hận thù nhắm vào Chúa," và Bắc Triều Tiên, nơi hàng ngàn tín đồ tôn giáo vẫn bị cầm tù trong những trại lao động.

Nhà thờ Khoái Đồng, Nam Định, Việt Nam.
Nhà thờ Khoái Đồng, Nam Định, Việt Nam.

Ủy ban này nói rằng nhiều người ở Pakistan đang chờ bị hành quyết hoặc thụ án tù chung thân vì tội báng bổ nhiều hơn bất kỳ nước nào nào trên thế giới, trong khi Ả-rập Saudi kết án tử hình một nhà thơ và nghệ sĩ người Saudi vì tội bội giáo, được nói là vì ủng hộ chủ nghĩa vô thần, dù sau đó bản án được giảm xuống còn tám năm tù giam và 800 roi.

Ở Uzbekistan, một nước với đa số dân là người Hồi giáo, báo cáo nói rằng một nhà hoạt động nhân quyền đã bị cầm tù vì ủng hộ những người Hồi giáo độc lập bị bức hại. Còn Việt Nam kiểm soát gần như mọi hoạt động tôn giáo.

Báo cáo lên án những chiến binh thánh chiến Nhà nước Hồi giáo vì những vụ "hành quyết chóng vánh, cưỡng hiếp, bắt làm nô lệ tình dục, bắt cóc trẻ em, phá hủy nhà thờ và cưỡng bức cải đạo."

Báo cáo nói chính phủ các nước Syria và Iraq "có thể được mô tả là gần như bất lực trong việc bảo vệ những nhóm dân của mình" khỏi những kẻ khủng bố Nhà nước Hồi giáo.

Cơ quan này, hoạt động trong tư cách cố vấn cho Tổng thống Barack Obama, Quốc hội và Bộ Ngoại giao, cho biết chín quốc gia nên được tiếp tục định danh là "những quốc gia cần quan tâm đặc biệt" vì thiếu tự do tôn giáo bao gồm: Myanmar, Trung Quốc, Eritrea, Iran, Bắc Triều Tiên, Ả-rập Saudi, Sudan, Turkmenistan và Uzbekistan.

Bản báo cáo cho biết thêm tám nước cần được đưa vào danh sách là Cộng hòa Trung Phi, Ai Cập, Iraq, Nigeria, Pakistan, Syria, Tajikistan và Việt Nam.

VOA Express

XS
SM
MD
LG