Đường dẫn truy cập

Mỹ trấn an ASEAN: Chuyện Bắc Hàn sẽ không lấn át chuyện Biển Đông


Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (thứ hai từ trái sang) gặp gỡ ngoại trưởng các nước Ðông Nam Á tại trụ sở Bộ Ngoại giao ở Washington (ảnh tư liệu ngày 4/5/2017).
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (thứ hai từ trái sang) gặp gỡ ngoại trưởng các nước Ðông Nam Á tại trụ sở Bộ Ngoại giao ở Washington (ảnh tư liệu ngày 4/5/2017).

Trong lúc Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson tập trung chuẩn bị cho chuyến công du Ðông Nam Á đầu tiên trong tuần này, Hoa Kỳ tiếp tục kêu gọi thành lập một cơ chế ràng buộc pháp lý để ngăn tránh các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ chồng chéo nhau trên Biển Đông biến thành xung đột bạo động. Ông Tillerson cũng sẽ mưu tìm sự hợp tác rộng lớn hơn từ các đồng minh trong khu vực để cô lập hóa Bắc Triều Tiên.

Sau khi bị Trung Quốc nghiêm khắc cảnh cáo, Hà Nội đã ngưng hoạt động khoan dò dầu khí do một công ty nước ngoài thực hiện cho Việt Nam trên Biển Đông. Đó là chuyện mới nhất trong cuộc tranh chấp đang tiếp diễn tại hải lộ tấp nấp nhất thế giới và được cho là giàu trữ lượng dầu khí.

Bộ trưởng ngoại giao của các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á, gọi tắt là ASEAN, theo trù liệu sẽ thông qua thỏa thuận khung Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (gọi tắt là COC) trong cuộc họp tại Manila.

Mặc dù thỏa thuận khung cam kết hợp tác giải quyết các vấn đề mâu thuẫn, nó được xem là bị tác động bởi ảnh hưởng của Trung Quốc, bởi vì nó chưa mang tính ràng buộc pháp lý.

Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hối thúc thành lập một cơ chế giải quyết xung đột và kiên quyết bảo vệ tự do hàng hải.

Bà Susan Thornton, Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Đông Á và Thái Bình Dương, nói: “Những hành động gây bất ổn, như việc Trung Quốc lấp biển, xây đảo, quân sự hóa tại những nơi tranh chấp, làm cho nỗ lực giải quyết ôn hòa những bất đồng trở nên rất khó.”

Ngoại trưởng Rex Tillerson muốn làm việc với Trung Quốc để giải quyết những bất đồng mà không dẫn đến xung đột. Trong số những vấn đề sẽ có việc gia tăng áp lực đối với Bắc Hàn.

Ông Tillerson nói: “Sẽ không có tương lai khi mà Bắc Hàn thủ đắc vũ khí hạt nhân hoặc khả năng bắn các đầu đạn hạt nhân đó đến bất cứ nơi nào trong khu vực. Để ngăn chặn hiểm họa đó, chúng tôi mưu tìm sự hợp tác của Trung Quốc. Trung Quốc chiếm đến 90% hoạt động thương mại với Bắc Triều Tiên.”

Ông Tillerson sẽ phải làm việc rất khéo với ASEAN trong nỗ lực mưu tìm sự hợp tác để cô lập Bắc Triều Tiên nhưng không để cho các nước Ðông Nam Á này cảm thấy vấn đề Bắc Hàn lấn át những mối quan tâm của họ ở Biển Đông.

Ông Gregory Poling, chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế, nhận định: “Thực tế là vấn đề Bắc Hàn không quan trọng đối với Malaysia, Việt Nam và Philippines bằng chuyện Biển Đông của nước họ.”

Có nhiều người cho rằng các đồng minh trong khu vực đang hoài nghi rằng họ sẽ không nhận được sự ủng hộ thiết thực từ Washington trong các tranh chấp trên Biển Đông.

Ông Bill Hayton, chuyên gia của viện nghiên cứu Chatham House nói với VOA: “Các nước này cảm thấy không thể trông nhờ vào Washington bảo vệ cho Việt Nam trong tranh chấp ở Biển Đông, và đó là một dấu hiệu cho thấy các chính phủ Ðông Nam Á lo ngại rằng chính quyền của Tổng thống Trump không quan tâm đến chuyện bảo vệ lợi ích cho họ."

Ngoài vấn đề an ninh hàng hải và phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, vấn đề chống khủng bố trong khu vực cũng được cho là sẽ nằm cao trong nghị trình ASEAN.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG