Đường dẫn truy cập

Mỹ, Nga đồng ý tổ chức hội nghị hòa bình Syria


Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry (trái) và Ngoại trưởng Nga
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry (trái) và Ngoại trưởng Nga
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và vị tương nhiệm Nga Sergei Lavrov đang tìm cách tổ chức một hội nghị hòa bình đã bị trì hoãn từ lâu để chấm dứt cuộc nội chiến tại Syria.

Hai nhà lãnh đạo ngày hôm thứ Sáu đã gặp đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Syria Lakhdar Brahimi tại Geneva để thảo luận về một kế hoạch của Nga nhằm đặt vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát của quốc tế và tránh một cuộc tấn công quân sự của Hoa Kỳ.

Hai ông Kerry và Lavrov đồng ý sẽ gặp lại vào cuối tháng tại New York để thảo luận về các cuộc hòa đàm đã diễn ra lần chót hồi tháng 6 năm 2012.

Tuy nhiên ngoại trưởng Kerry nói bất cứ tiến bộ nào cũng sẽ tùy thuộc vào sự thành công của chương trình tháo gỡ các vũ khí hóa học của Syria.

Syria đã đệ đơn gia nhập hiệp ước quốc tế cấm vũ khí hóa học, nhưng nói họ cần một tháng để cung cấp chi tiết về kho vũ khí hóa học của nước này.

Ngày hôm qua, Tổng thống Bashar al-Assad nói ông sẽ chỉ ký kết thỏa thuận hủy bỏ vũ khí hóa học nếu Hoa Kỳ ngưng đe dọa tấn công.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày hôm nay ca ngợi quyết định của Syria xin gia nhập hiệp ước toàn cầu cấm vũ khí hóa học. Ông Putin nói việc này cho thấy “ý định nghiêm chỉnh” của chính phủ Syria trong việc giải quyết tranh chấp.

Ông Kerry nói Syria nên hành động nhanh chóng, ngày hôm qua ông cảnh báo là một giải pháp sử dụng vũ lực vẫn cần thiết nếu Washington không hài lòng với những đáp ứng của ông Assad.

Tổng thống Barack Obama đe dọa tấn công Syria để đáp ứng với cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học hồi tháng trước vào một khu vực do phe nổi dậy kiểm soát ở Damascus mà Washington nói đã làm cho 1.400 người thiệt mạng.

Hoa Kỳ nói chính phủ Syria chịu trách nhiệm trong cuộc tấn công này. Damascus phủ nhận cáo buộc và cho rằng phe nổi dậy đã thực hiện cuộc tấn công. Nga, đồng minh quốc tế chính của Syria, cũng phủ nhận việc chính phủ Syria chịu tránh nhiệm tấn công bằng vũ khí hóa học.

VOA Express

XS
SM
MD
LG