Đường dẫn truy cập

Mỹ, Ðài Loan nối lại đàm phán thương mại về việc nhập thịt bò


Thịt bò nhập khẩu của Mỹ tại một siêu thị ở Ðài Bắc.
Thịt bò nhập khẩu của Mỹ tại một siêu thị ở Ðài Bắc.
Hoa Kỳ và Ðài Loan đã nối lại các cuộc đàm phán thương mại sau 5 năm đình chỉ. Ðài Loan đã cấm một loạt các mặt hàng thịt bò nhập từ Hoa Kỳ cho đến cách đây khoảng nửa năm, khi lệnh cấm chính cuối cùng được bãi bỏ. Nay, hai bên đang bàn luận về việc tự do hóa mậu dịch có thể giúp đưa nền kinh tế thúc đẩy bởi xuất khẩu của Ðài Loan lên mức ngang hàng với các đối thủ ở châu Á. Từ Ðài Bắc, thông tín viên VOA Ralph Jennings gửi về bài tường thuật sau đây.

Phó đại diện Thương mại Hoa Kỳ Demetrio Marantis và Thứ trưởng Kinh tế Ðài Loan Trác Sĩ Chiêu đã họp kín hôm qua để thảo luận việc tự do hóa xuất khẩu và đầu tư. Các cuộc đàm phán về Hiệp định Khung và Thương mại và Ðầu tư kết thúc hôm nay nhắm mục đích đưa hai bên đi gần hơn đến chỗ gỡ bỏ các rào cản.

Ðài Bắc muốn Hoa Kỳ ký một hiệp định thương mại tự do, có tác dụng nâng cao tính cạnh tranh của Ðài Loan ở châu Á. Ðảo quốc này cũng muốn tham gia Ðối tác Xuyên Thái Bình Dương, tức TPP, gồm 11 thành viên, một hiệp định thương mại khu vực đang được thương thảo. Tại một cuộc họp báo, ông Marantis cho hay các cuộc đàm phán với Ðài Loan tiến hành tốt đẹp nhưng còn quá sớm để đạt đuợc các thỏa thuận quan trọng.

Ông Marantis nói: “Chúng tôi trông đợi công tác liên tục với Ðài Loan về mặt xây dựng trên mối quan hệ thương mại và đầu tư vốn dĩ đã mạnh và nâng mối quan hệ đó lên mức tiếp theo. Nay, chúng tôi thừa nhận rằng Ðài Loan quan tâm đến một hiệp định thương mại tự do, quan tâm đến TPP. Hôm nay, chúng tôi đã có một cuộc đối thoại rất đầy đủ và vững mạnh về những vấn đề ấy.”

Ðài Loan sẽ phải đối mặt với một cuộc tranh đấu gay go để đạt được một hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ. Việc đuợc thu nhận vào Ðối tác Xuyên Thái Bình Dương - một hiệp định được hình thành với ảnh hưởng lớn của Mỹ - sẽ đòi hỏi sự đồng thuận không những của Hoa Kỳ mà còn của các thành viên khác nữa.

Nhưng các thỏa thuận đó sẽ nâng cao nền kinh tế trị giá 466 tỷ đôla của Ðài Loan trong lúc phải cạnh tranh với Nhật Bản, Nam Triều Tiên và nhiều nước khác ở đông nam châu Á.

Vốn dựa vào xuất khẩu máy móc và các sản phẩm kỹ thuật cao, Ðài Loan bị tụt hậu xo với các nước bạn bởi vì Hoa Kỳ đã cắt đứt các cuộc đàm phán thương mại vào năm 2007 do các lệnh cấm nhập thịt bò Mỹ. Ông Marantis nói với cuộc họp báo rằng các vẫn còn vấn đề nông nghiệp giữa Ðài Loan và Hoa Kỳ, nhưng ông không nêu rõ chi tiết.

Hoa Kỳ là nơi đến lớn hàng thứ nhì của các mặt hàng xuất khẩu từ Ðài Loan, sau Trung Quốc, và Hoa Kỳ là nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất của Ðài Loan. Ðài Loan là đối tác thương mại đứng hàng thứ 11 của Hoa Kỳ và đang nhập số thịt bò trị giá khoảng 128 triệu đôla mỗi năm trước khi lệnh cấm được hoàn toàn bãi bỏ vào giữa năm 2012.

Ông Lưu Nghĩa Quân, một giáo sư về các vấn đề quốc tế tại trường Ðại học Phật Quang ở Ðài Loan, nói rằng công chúng ở đảo quốc này đang trông đợi giới lãnh đạo Quốc dân đảng sẽ đạt những thắng lợi lớn sau khi Ðài Bắc nhượng bộ Washington về việc nhập thịt bò.

Ông Lưu nói: “Thịt bò là một sự kiện, và dân chúng nghĩ rằng chúng ta phải chấp nhận điều đó. Về phía đảng cầm quyền là Quốc Dân Ðảng, có thể Hoa Kỳ có thể đem lại một cái gì đó vượt quá sự tưởng tưởng của dân chúng, chẳng hạn như máy bay tối tân hơn. Tôi nghĩ điều đó sẽ đem lại cho đảng cầm quyền lợi thế hết sức to lớn để thuyết phục dân chúng địa phương ở đây.”

Các giới chức Hoa Kỳ cho rằng các lợi ích ở quy mô đó còn xa vời. Hôm qua, hai bên đã công bố các thông cáo chung hỗ trợ cho mậu dịch tự do và các dịch vụ kỹ thuật thông tin và công bằng trong đầu tư hai chiếu. Hai bên cũng thành lập các nhóm công tác để tiếp tục các cuộc thảo luận về những ưu tiên của Mỹ như đầu tư ở Ðài Loan và quyền sở hữu tài sản trí thức. Các nhà thương thuyết hy vọng sẽ họp mỗi năm một lần.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG