Đường dẫn truy cập

Mỹ-Ấn tăng cường quan hệ kinh tế và an ninh


Tổng thống Obama nói chuyện với Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ tại Phòng Đông của Tòa Bạch Ốc ở Washington (Ảnh tư liệu tháng 3 năm 2016)
Tổng thống Obama nói chuyện với Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ tại Phòng Đông của Tòa Bạch Ốc ở Washington (Ảnh tư liệu tháng 3 năm 2016)

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm nay sẽ hội kiến Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Tòa Bạch Ốc và sẽ đọc diễn văn trước lưỡng viện quốc hội Mỹ vào ngày mai trong lúc hai nền dân chủ lớn nhất thế giới ra sức tăng cường các mối quan hệ kinh tế và an ninh. Thông tín viên Victor Beattie của đài VOA tường thuật.

Cuộc gặp gỡ hôm nay là cuộc gặp gỡ lần thứ 7 giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ, Ấn trong vòng hai năm.

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Josh Earnest hôm qua cho biết hai nước có chung những mối quan tâm trong nhiều lãnh vực.

“Tôi kỳ vọng Hoa Kỳ và Ấn Độ sẽ bàn thảo về quan hệ kinh tế giữa hai nước. Mối quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ là một điều quan trọng và là mối quan hệ có lợi cho người dân của cả hai nước. Và vì vậy tôi có thể dự đoán một cuộc thảo luận về một số vấn đề kinh tế. Ngoài ra còn có một số vấn đề an ninh quốc gia. Chúng ta thấy là trong những năm gần đây có sự phối hợp mạnh mẽ và chặt chẽ hơn giữa các giới chức an ninh quốc gia Hoa Kỳ và Ấn Độ. Và chắc chắn là Tổng thống Obama sẽ lưu tâm đến việc làm sâu sắc thêm và củng cố các mối quan hệ trên”.

Theo một thoả thuận đạt được hồi tháng tư, quân đội hai nước có thể sử dụng các căn cứ của nhau để sửa chữa tàu bè và bổ sung xăng dầu và tiếp liệu. Đôi bên cũng đang thảo luận về việc cùng nhau sản xuất những khí tài quân sự tối tân và đã công bố một văn kiện về tầm nhìn chiến lược chung để bảo đảm tự do hàng hải, kể cả ở Biển Đông, là nơi căng thẳng đang ở mức cao vì những vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Trung Quốc với các quốc gia vùng Đông Nam Á.

Các nhà quan sát cho biết New Dehli muốn Washington xúc tiến những dự án đầu tư, trong đó có kế hoạch để cho Công ty Westinghouse Electric của Toshiba xây dựng các lò phản ứng hạt nhân ở Ấn Độ, là nước đã cam kết tăng 40% tỉ lệ sản lượng điện của những nguồn nhiên liệu không phải là nhiên liệu hoá thạch vào năm 2030.

Ngày mai, nhà lãnh đạo Ấn Độ sẽ đọc diễn văn trước lưỡng viện quốc hội Mỹ. Ông Rafiq Dossani, chuyên gia Nam Á của tổ chức nghiên cứu RAND Corporation, cho rằng sự kiện này nêu bật tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ-Ấn.

“Đó là một chỉ dấu rất rõ ràng. Nó cho thấy không phải chỉ quốc hội mới xem mối quan hệ giữa hai nước là quan trọng, mà đây là quan điểm thống nhất của cả tổng thống và ngành hành pháp và quốc hội Mỹ. Tất cả đều xem quan hệ Mỹ-Ấn là mối quan hệ song phương quan trọng nhất trong thế kỷ 21."

Ấn Độ cũng đang mưu tìm sự ủng hộ của các nước trên thế giới để trở thành thành viên của Nhóm Cung ứng Hạt nhân. Nhóm hiện nay có 48 nước thành viên này được thiết lập để quản lý những hoạt động mua bán vật liệu liên quan tới hạt nhân và ngăn chận tình trạng vật liệu hạt nhân của các chương trình dân sự được chuyển đổi để dùng vào mục đích quân sự. Việc gia nhập nhóm này sẽ giúp Ấn Độ tiếp cận nhiên liệu và công nghệ hạt nhân. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn chưa ký kết Hiệp ước Cấm Phổ biến Hạt nhân.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG