Đường dẫn truy cập

Moscow dọa hạ quan hệ, trả đũa dự luật chế tài của Mỹ


Phó Ngoại trưởng Nga Serge Ryabkov.
Phó Ngoại trưởng Nga Serge Ryabkov.

Phó Ngoại trưởng Nga Serge Ryabkov nói Moscow có thể sẽ trả đũa Mỹ để đáp lại loạt các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga, vì cho rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái.

Hạ viện Hoa Kỳ thông qua dự luật hôm thứ Ba 25/7. Dự luật đồng thời mở rộng quyền kiểm soát của Quốc hội đối với việc Tổng thống Donald Trump có thể giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt Nga.

Theo truyền thông của chính phủ Nga, ông Ryabkov cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt mới sẽ phá hỏng cơ hội cải thiện quan hệ giữa Moscow và Washington. Ông cũng tuyên bố rằng trước đây Nga đã cảnh báo chính quyền của ông Trump rằng Nga sẽ đáp trả mạnh nếu các nhà lập pháp Mỹ thông qua dự luật này.

Quyền giám sát mới được đưa vào dự luật sau hơn một tháng đàm phán lưỡng đảng và vài lần trì hoãn. Một phiên bản trước của dự luật được Thượng viện thông qua với tỉ lệ áp đảo 97/2 vào tháng 6.

Dự luật vừa được Hạ viện thông qua với 419 phiếu thuận 3 phiếu chống, bao gồm các biện pháp trừng phạt đối với Iran và Bắc Triều Tiên, ngoài các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga vì nhiều lý do.

Dân biểu Cộng hòa Ed Royce, đại diện bang California, nói: "Các chế độ này từ những nơi khác nhau trên thế giới đang đe dọa những lợi ít sống còn của Hoa Kỳ và họ đang gây bất ổn cho các nước láng giềng."

Quốc hội Phê duyệt

Dân biểu Royce cho biết dự luật này đảm bảo các biện pháp trừng phạt kinh tế và ngoại giao cứng rắn được duy trì bằng cách trao quyền cho Quốc hội xem xét và bác bỏ việc giảm nhẹ trừng phạt.

Dân biểu đảng Dân chủ Eliot Engel, thành viên Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện nói với đài VOA ngay trước khi bỏ phiếu khi đề cập đến Tổng thống Nga Vladimir Putin như sau: "Nếu Tổng thống Trump muốn chơi gôn hoặc làm điều gì đó với người bạn thân Putin của ông, thì ông không thể rủ Quốc hội chơi cùng vì chúng tôi sẽ trừng phạt ông Putin."

Dự luật lưỡng đảng giới hạn quyền của Tổng thống Trump về các biện pháp chế tài được đưa ra giữa lúc có cuộc điều tra của Quốc hội về các cáo buộc liên quan giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với Nga.

Ông William Pomeranz, Phó Giám đốc Trung tâm Wilson thuộc Viện Kennan nói với đài VOA: "Đây là một sự kìm hãm đáng kể đối với Tổng thống Trump vì không một tổng thống nào muốn đánh mất quyền giảm các biện pháp trừng phạt. Trên thực tế, rất hiếm khi Quốc hội đưa quyền này vào. Nhưng rõ ràng, với một loạt các vấn đề về chính trị như hiện nay, Quốc hội đã ra tay trong trường hợp này."

Phản ứng của Tòa Bạch Ốc

Chính quyền Trump nay đồng ý với các lệnh trừng phạt, nhưng trước đó đã phản đối những thay đổi này.

Mấy tuần lễ trước khi dự luật này được thông qua, Tòa Bạch Ốc đã chống lại các nỗ lực hạn chế quyền của cơ quan hành pháp có thể đơn phương giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt, với lập luận rằng điều đó hạn chế các điều kiện mà Mỹ có thể dùng khuyến khích cách hành xử của Nga và để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với ông Putin.

Nếu được thông qua, dự luật sẽ tạo cho Quốc hội một quy trình nhanh chóng để bác lại bất kỳ động thái nào mà tổng thống đưa ra nhằm chấm dứt các biện pháp trừng phạt.

Phó Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Sarah Huckabee Sanders nói với các phóng viên hôm thứ Hai:"Tổng thống rất ủng hộ các lệnh trừng phạt đối với các quốc gia này và muốn đảm bảo duy trì các lệnh này, nhưng đồng thời cũng muốn đảm bảo rằng chúng ta có được những thỏa thuận tốt đẹp. Hai điều đó đều rất quan trọng đối với tổng thống."

Nếu ông Trump không thông qua dự luật này, ông có thể đối diện với những phủ quyết của Quốc hội, và Quốc hội có thể không thông qua các lệnh trừng phạt đối với Iran và Bắc Triều Tiên mà chính quyền của ông ủng hộ.

Những thay đổi trong dự luật phải hợp nhất ở cả Hạ viện và Thượng viện trước khi được chuyển đến tổng thống ký ban hành.

Dân biểu Engel nói với VOA rằng ông hy vọng Thượng viện có thể giải quyết những thay đổi này trước khi các nhà lập pháp Hạ viện bắt đầu kỳ nghỉ tháng 8 vào cuối tuần này.

VOA Express

XS
SM
MD
LG