Đường dẫn truy cập

Miến Ðiện nổi bật trong chuyến công du Ðông Nam Á của TT Obama


Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trong cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc, ngày 14/11/2012.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama trong cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc, ngày 14/11/2012.
Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi tái đắc cử, Tổng thống Barack Obama dự trù sẽ rời Washington vào thứ bảy để lên đừờng đi Ðông Nam Á. Chuyến công du bao gồm hai cuộc viếng thăm lần đầu tiên của một Tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm đến Miến Ðiện và Campuchia. Thông tín viên VOA tại Tòa Bạch Ốc Dan Robinson ghi nhận chi tiết trong bài tường trình sau đây.

Ông Obama sẽ tập trung vào các vấn đề kinh tế, an ninh và dân chủ ở Ðông Nam Á.

Tại Bangkok, ông sẽ gặp Thủ tướng Yingluck Shinawatra để nhấn mạnh đến bang giao song phương và quan hệ giữa hai quân đội Thái Lan và Hoa Kỳ.

Vào ngày thứ hai tới, ông Obama sẽ trở thành vị tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Hoa Kỳ đi thăm Miến Ðiện, nước từng bị đặt dưới sự cai trị của một chính phủ quân nhân từ mấy chục năm.

Lãnh tụ đối lập và khôi nguyên giải Nobel hòa bình Aung San Suu Kyi đã hội kiến ông Obama tại Tòa Bạch Ốc hồi tháng 9. Hai bên dự trù sẽ gặp nhau lại tại tư thất của bà Aung San Suu Kyi ở Rangoon.

Hoa Kỳ đã nới lỏng các biện pháp trừng phạt Miến Ðiện và đang khuyến khích tiến trình dân chủ hóa mong manh ở nước này.

Tổng thống Obama gặp gỡ lãnh tụ dân chủ Miến Ðiện Aung San Suu Kyi tại Tòa Bạch Ốc,ngày 19/9/2012.
Tổng thống Obama gặp gỡ lãnh tụ dân chủ Miến Ðiện Aung San Suu Kyi tại Tòa Bạch Ốc,ngày 19/9/2012.
Bà Aung San Suu Kyi nói với đài VOA rằng các biện pháp cải cách thêm nữa tuỳ thuộc vào sự ủng hộ của quân đội Miến Ðiện.

Bà Suu Kyi nói: “Chừng nào mà quân đội chưa đưa ra lập trường rõ ràng và kiên định ủng hộ tiến trình dân chủ thì ta chưa thể nói rằng tiến trình đó không thể đảo ngược đuợc.”

Chính quyền của Tổng thống Obama tỏ ra thực tế về tiến bộ ở Miến Ðiện.

Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Kurt Campbell nói:

“Có một khoảng cách biệt, luôn giống với các trường hợp thường xảy ra trong các giai đoạn đầu của tiến trình cải cách, nghĩa là tiến trình được hỗ trợ bởi hy vọng nhiều hơn là thực tế.”

Chặng dừng chót của ông Obama trong chuyến công du khu vực này là Campuchia, nước chủ trì Cuộc họp Thượng đỉnh Ðông Á.

Cựu phân tích gia về Trung Quốc của CIA, ông Chris Johnson nói căng thẳng về Biển Ðông, đã trở nên tệ hại hơn do áp lực của Bắc Kinh hồi đầu năm nay, sẽ bao trùm cuộc họp.

Ông Johnson nói: “Trung Quốc dường như không nhận ra hậu quả tiêu cực chắc chắn sẽ có bên trong ASEAN, mà còn rộng hơn nữa.”

Các chuyên gia phân tích cho rằng ông Obama mang theo ảnh hưởng chính trị trong chuyến đi này vì sự kiện ông vừa tái đắc cử.

Ông Michael Green thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Sách lược ở Washington nói rằng chuyến đi đó đem lại một cơ hội để khẳng định thêm sự chú ý ngày càng tăng mà nước Mỹ đặt vào châu Á.

Ông Green nhận xét: “Thực sự ta nghĩ gì về việc phải làm đối với các nước như Campuchia và Miến Ðiện trên mặt trận dân chủ? Sẽ có nhiều màu sắc hơn được tô điểm trong chính sách chuyển hướng về châu Á trong chuyến đi này, mà trước đây chưa có.”

Có nhiều phần chắc Tổng thống Obama sẽ nhận được các câu hỏi từ phía các nhà lãnh đạo trong vùng về cái được gọi là “bờ vực tài chính” mà Hoa Kỳ đang phải đối phó và ai là người ông sẽ chọn để thay thế Ngoại trưởng Hillary Clinton, nguời đã can dự rất sâu xa vào chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ tại châu Á trong nhiệm kỳ đầu của ông.

VOA Express

XS
SM
MD
LG