Đường dẫn truy cập

Mỹ đạt thỏa thuận đặt 2 hệ thống giám sát không gian ở Úc


Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta tại Australia, ngày 14/11/2012.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta tại Australia, ngày 14/11/2012.
Mỹ đã đạt được thỏa thuận để dựng một trạm radar có tầm phủ sóng lớn và kính viễn vọng không gian tại Úc.

Theo các quan chức Mỹ, thỏa thuận này cho phép Mỹ có khả năng quan trọng là theo dõi vùng trời của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói, thỏa thuận đạt được hôm nay tại một hội nghị thượng đỉnh an ninh hàng năm tại Úc là một "bước nhảy vọt lớn về phía trước" và một "ranh giới quan trọng mới" trong chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Thỏa thuận này cho phép đặt một radar của không quân Mỹ trên mặt đất tại vùng tây bắc của Úc bắt đầu từ năm 2014.

Một tuyên bố của Bộ Quốc phòng nói radar sẽ giúp theo dõi "những vụ phóng tên lửa đáng quan tâm ở châu Á".

Úc cũng cũng đồng ý cho Mỹ đặt một kính viễn vọng giám sát không gian công nghệ cao, được thiết kế để theo dõi các mảnh vỡ và các vật thể khác có thể va vào các vệ tinh.

Thỏa thuận này được công bố khi cuộc đàm phán quốc phòng hàng năm kết thúc ngày hôm nay tại thành phố Perth của Úc.

Các cuộc đàm phán với sự tham dự của Ngoại trưởng Hillary Clinton là những cuộc đàm phán đầu tiên kể từ khi chính quyền Obama công bố chuyển "trọng tâm" chiến lược về châu Á hồi năm ngoái.

Bộ trưởng Quốc phòng Panetta cho biết tiếp tục hợp tác với Úc là một phần hệ trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong khu vực này.

Ông Panetta khẳng định chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ không được thực thi hiệu quả nếu không có sự hỗ trợ của đồng minh như nước Úc.

Hàng trăm binh lính Mỹ đã bắt đầu đước triển khai tới miền bắc nước Úc trong khuôn khổ chiến lược tái cân bằng.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Stephen Smith chào đón lực lượng Mỹ đến trú đóng và cho biết các cuộc đàm phán đang được tiến hành để cho phép Mỹ tiếp cận nhiều hơn đến các hải cảng của Úc.

Tuy nhiên, các quan chức cẩn trọng nhấn mạnh một lần nữa rằng quan hệ quốc phòng mở rộng giữa hai nước không nhắm vào Trung Quốc như Bắc Kinh ngờ vực.

Ngoại trưởng Úc Bob Carr cho biết, cuộc đối thoại không bàn đến việc kiềm chế Trung Quốc, và cả Mỹ và Úc đều "hoan nghênh vai trò của Trung Quốc là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế."

Các quan chức Mỹ nhấn mạnh Trung Quốc không nên lo lắng về chiến lược "trục xoáy Á châu", một chiến lược được áp dụng giữa lúc Bắc Kinh ngày càng trở nên quyết đoán với các nước láng giềng về chủ quyền lãnh thổ ở Biển Nam Trung Hoa (mà Việt Nam gọi là Biển Đông) và các vùng biển khác trong khu vực.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG