Đường dẫn truy cập

Miến Ðiện công nhận lễ kỷ niệm phong trào nổi dậy đòi dân chủ


Các lãnh đạo của nhóm Thế Hệ 88 kêu gọi phóng thích tất cả các tù nhân chính trị còn bị giam giữ và đòi cho phép tất cả các thành phần hoạt động lưu vong được trở về nước
Các lãnh đạo của nhóm Thế Hệ 88 kêu gọi phóng thích tất cả các tù nhân chính trị còn bị giam giữ và đòi cho phép tất cả các thành phần hoạt động lưu vong được trở về nước
Chính quyền ở Miến Ðiện lần đầu tiên công nhận, và ủng hộ ở một chừng mực nào đó, lễ kỷ niệm cuộc nổi dậy đòi dân chủ ở nước này vào năm 1988. Liên minh Toàn quốc Ðấu tranh cho Dân chủ đối lập hoan nghênh quyết định này như một dấu hiệu hòa giải dân tộc, trong khi giới hoạt động nói còn phải thực hiện nhiều cải cách. Từ Bangkok, thông tín viên VOA Daniel Schearf gửi về bài tường thuật sau đây.

Hàng trăm người hoạt động và tăng sĩ đã tổ chức các buổi lễ cầu nguyện hôm nay tại Rangoon để kỷ niệm 24 năm cuộc nổi dậy đòi dân chủ bất thành.

Lần đầu tiên nhà cầm quyền công nhận và thậm chí còn dành sự hỗ trợ tài chính cho dịp này.

Các Bộ trưởng Ðường sắt và Công nghiệp đã tặng khoảng 230 đôla cho một thiền viện để tổ chức buổi lễ. Họ cũng tặng 1 ngàn đôla cho nhóm lãnh đạo phong trào, còn được gọi là Thế hệ 88.

Ông Nyan Win, một người phát ngôn cho Liên minh Toàn quốc Ðấu tranh cho Dân chủ đối lập, nói rằng cử chỉ vừa kể là một dấu hiệu tốt.

Ông Win cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh sự tham gia và thừa nhận phong trào Thế hệ 88. Theo tôi, đây là một dấu hiệu hòa giải dân tộc.”

Ngày 8 tháng 8, học sinh sinh viên tại Rangoon bắt đầu các cuộc biểu tình chống chính phủ quân nhân và ủng hộ cải cách.

Hàng trăm ngàn người đã biểu tình khắp nước cho đến khi bị quân đội trấn dẹp.

Người ta cho rằng có hàng ngàn người đã bị sát hại và vô số người khác bị tống giam, mặc dầu chính phủ chỉ thừa nhận là có vài trăm cái chết.

Tại Bangkok, một nhóm người biểu tình đã tụ tập trước cửa đại sứ quán Miến Ðiện để tưởng nhớ những người đã thiệt mạng.

Bà Debbie Stodhardt là phối hợp viên của Mạng lưới Thay thế ASEAN về Miến Ðiện. Bà nói hậu thuẫn dành cho lễ kỹ niệm là một bước nhẩy vọt so với cách thức mà chính quyền vẫn phản ứng. Nhưng bà cũng nhận xét rằng chưa hề có ai bị quy trách về những cái chết.

Bà Stodhardt nhận xét: “Tôi nghĩ sẽ không có một sự thay đổi trọng đại nào trừ phi đích thân tổng thống, hay chính quân đội, thừa nhận rằng vụ việc không may này đã xảy ra trong lịch sử của họ và đưa ra những lời hứa sẽ bù đắp cho những gì xảy ra vào năm 1988”

Một cuộc bầu cử năm 2010 đã đưa Tổng thống Thein Sein lên nắm quyền và ông đã gây bất ngờ cho giới chỉ trích qua một loạt các cải cách chính trị, trong đó có việc phóng thích hàng trăm tù nhân chính trị.

Trong một thay đổi có lẽ là ngoạn mục nhất, cựu tù nhân chính trị và lãnh tụ NLD bà Aung San Suu Kyi đã được bầu vào Quốc Hội.

Thành viên Ko Hla Htay của Thế hệ 88 thừa nhận có các chuyển biến hướng tới dân chủ trong nước, nhưng cũng còn những khó khăn.

Ông Htay nói mọi sự đang bắt đầu thay đổi ở Miến Ðiện, nhưng ông nghĩ rằng đây chỉ là giai đoạn đầu bởi vì còn các cuộc thảo luận tại Quốc hội. Tuy nhiên, theo ông, cho đến giờ này thì dân chúng chưa nhìn thấy lợi ích nào.

Thế hệ 88 đang kêu gọi phóng thích tất cả các tù nhân chính trị còn lại và đòi cho phép tất cả các thành phần hoạt động lưu vong được trở về nước.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG