Đường dẫn truy cập

Màu Tím Hoa Sim


Thi sĩ Hữu Loan (phải) và Trịnh Hội
Thi sĩ Hữu Loan (phải) và Trịnh Hội

Đêm hôm qua tôi nhận được tin nhà thơ Hữu Loan vừa qua đời mà lòng bỗng cảm thấy luyến tiếc, hụt hẫng. Cứ ngỡ như là mình vừa mất một người thân mà mình hằng thương mến. Dẫu biết rằng tuổi ông đã cao, gian khổ đã nhiều. Và đời người phù du, ai sinh ra cũng sẽ không tránh khỏi câu sinh, lão, bệnh, tử. Thế nhưng tôi vẫn có cảm giác như ông chưa nên vội ra đi trong lúc này.

Vì thế gian vẫn còn rất nhiều người mến mộ ông. Có thể học được từ ông rất nhiều về tình người và sự trung trực. Và đất nước vẫn còn nợ ông một lời xin lỗi. Cho dù là nó có muộn màng bao nhiêu hay chẳng giúp được gì cho chính ông. Khi sinh thời hay trong hiện tại.

Tôi tiếc là vì vậy.

Còn nhớ năm nào tôi may mắn tìm ra được nhà ông ở thôn Vân Hoàn, Xã Nga Lĩnh, Huyện Nga Sơn ở Thanh Hóa. Và bên hiên nhà ông đã chia xẻ với tôi biết bao câu chuyện về quãng đường mà ông và gia đình đã nhọc nhằn bước qua kể từ ngày ông quyết định rũ áo từ quan ở Hà Nội để trở về quê sinh sống.

Vì ông không thể nào chấp nhận một chế độ hà khắc và một chính sách tàn bạo của thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm và Cải Cách Ruộng Đất. Để ai cũng có thể bị cho là phản động. Để người có thể hại người. Anh có thể giết em. Con cái sẵn sàng đấu tố cha mẹ.

Lúc ấy ông đã ăn thọ 90 tuổi. Thế nhưng tinh thần ông vẫn còn rất minh mẫn, đôi mắt ông vẫn sáng ngời mỗi khi nhắc lại những kỷ niệm vui buồn của ngày xưa. Lúc ông cãi tay đôi với ông Hồ Chí Minh ngay tại Quốc Hội về những sai phạm của chế độ đương thời. Hay khi ông phải về quê tự làm nông, đẽo đá nuôi nấng gia đình trong cơn túng thiếu và sự trù dập của chế độ.

Đến một chiếc xe cút kít kéo tay, ông bảo, họ cũng không cho ông sử dụng. Và lẽ ra ông đã bị họ giết mất lâu rồi nếu như người công an được giao cho nhiệm vụ phải xử ông không nỡ ra tay vì ông đã làm một bài thơ rất hay nói về làng quê của chính người công an đó.

Ông bảo cuối cùng cũng nhờ làm thơ mà ông mới sống đến bây giờ.

Cũng như chỉ cần một bài thơ duy nhất mà nay ai cũng biết đến tên ông:

Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến binh
Mấy người đi trở lại
Lỡ khi mình không về
Thì thương người vợ chờ bé bỏng chiều quê…
Nhưng không chết
Người trai khói lửa
Mà chết người gái nhỏ hậu phương
Tôi về không gặp nàng
Má ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
Thành bình hương
Tàn lạnh vây quanh
Tóc nàng xanh xanh
Ngắn chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
Không được nghe nhau nói
Không được nhìn nhau một lần
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím

Ông đã kể cho tôi nghe nhiều lắm về nỗi đau để mất người vợ đầu tiên của ông.

Chiều hôm ấy sau khi trò chuyện xong ông đã bảo đứa cháu gái ông dắt tôi lên ngọn đồi gần nhà để tìm lại màu hoa sim tím của năm nào. Nhưng chúng tôi tìm mãi chỉ thấy đây đó lác đác một vài cành hoa sim chưa nở rộ. Nó cũng cùng một màu tím đấy nhưng không biền biệt như trong thơ ông:

Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim, tím cả chiều hoang biền biệt…

Trở về nhà ông trên con đường làng vắng lặng trong buổi chiều tàn, tôi cũng chợt nhận thức ra được rằng chắc phải lâu lắm tôi mới có dịp gặp lại ông. Vì thế trước khi chia tay từ giã tôi đã xin ông viết cho tôi đôi chữ để tôi có thể giữ lại làm kỷ niệm cho riêng mình.

Đưa cánh tay gầy guộc khẳng khiu để cầm lấy cây viết tôi đưa cho ông, ông cười lớn, mắt vẫn sáng ngời bảo rằng ông đâu biết viết gì để tặng tôi.

Tôi vội đáp thưa ông điều gì cũng được.

Thế là cầm trên tay mảnh giấy học trò tay run run ông đã nguệch ngoạc viết tặng cho tôi một dòng duy nhất:

Chữ Tâm Kia Mới Bằng Ba Chữ Tài.

Và đấy cũng là những gì mà tôi sẽ luôn nhớ mãi về ông.

Xin gửi đến ông lời cảm ơn chân thành. Cùng với những lời cảm phục sâu sắc nhất.

  • 16x9 Image

    Trịnh Hội

    Làm sao để có thể tự giới thiệu về mình một cách tốt nhất và đúng nhất đây hả bạn? Có lẽ bạn chỉ cần biết đại khái như thế này. Tôi sinh ra ở Đa Kao gần cầu Bông, Sài Gòn và sang định cư ở Úc từ năm tôi 14 tuổi. Từ lúc ra trường luật cho đến nay tôi đã sống và làm việc ở Úc, Hồng Kông, Philippines, Mỹ, Anh Quốc và dĩ nhiên là Việt Nam...

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG