Đường dẫn truy cập

Manila ‘thanh minh’ về hợp đồng khai thác dầu khí ở Biển Đông với TQ


Tàu cảnh sát biển Trung Quốc xuất hiện phía trước giàn khoan thăm dò dầu khí gây tranh cãi ở Biển Đông vào ngày 13/7/2014.
Tàu cảnh sát biển Trung Quốc xuất hiện phía trước giàn khoan thăm dò dầu khí gây tranh cãi ở Biển Đông vào ngày 13/7/2014.

Bất kỳ hợp đồng thăm dò năng lượng tiềm năng nào ở Biển Đông giữa Manila và Bắc Kinh đều là thỏa thuận với công ty, chứ không phải với chính quyền Trung Quốc, Reuters dẫn lời một giới chức cấp cao của Philippines nói hôm 1/3.

Phát biểu trên kênh truyền hình ANC, phát ngôn viên của Tổng thống Rodrigo Duterte, Harry Roque, nói: “Chúng tôi có thể sẽ ký thỏa thuận với một tập đoàn của Trung Quốc, chứ không phải với nhà nước Trung Quốc”.

Tháng trước, hai nước đã đồng ý thành lập một hội đồng đặc biệt để hợp tác thăm dò dầu khí ở những khu vực thuộc Biển Đông mà cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền, mà không cần phải đụng đến vấn đề nhạy cảm về chủ quyền.

Việc theo đuổi một dự án chung sẽ rất phức tạp và nhạy cảm, vì việc chia sẻ trữ lượng dầu khí có thể được xem là ủng hộ tuyên bố chủ quyền của quốc gia kia.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau một lễ ký kết ở Bắc Kinh ngày 20/10/2016.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau một lễ ký kết ở Bắc Kinh ngày 20/10/2016.

Ông Roque khẳng định: “Chúng tôi không tham gia một thỏa thuận về chủ quyền để thăm dò tài nguyên. Nếu có, thì đó sẽ là một thỏa thuận giữa hai thực thể công ty.”

Buổi chiều ngày hôm trước, Tổng thống Duterte cho biết Trung Quốc đề xuất thăm dò chung theo “kiểu như đồng sở hữu” và làm như vậy tốt hơn là cả hai tranh giành với nhau.

Tại cuộc họp báo ngày 1/3, ông Roque nhấn mạnh rằng đây là vấn đề thăm dò và khai thác chung, là một giải pháp thiết thực để Philippines tiếp cận với các nguồn tài nguyên mà không vấp phải xung đột về chủ quyền.

Ông nói Tổng thống Duterte đã sử dụng từ “đồng sở hữu” như một lối so sánh để cố gắng đơn giản hóa vấn đề.

Philippines đã đình chỉ việc thăm dò tại Bãi Cỏ Rong ở Biển Đông vào năm 2014 để theo đuổi một vụ kiện về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

Phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực ở La Haye minh định về quyền chủ quyền của Manila trong việc tiếp cận các mỏ dầu khí ở Biển Đông, bao gồm Bãi Cỏ Rong, thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm của nước này.

Ông Roque cho biết các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Philippines và một công ty nhà nước Trung Quốc, nhưng ông từ chối nêu tên của tập đoàn này.

Philippines, tập đoàn CNOOC của Trung Quốc và PetroVietnam đã cùng tiến hành thăm dò dầu khí ở Bãi Cỏ Rong từ năm 2003 đến năm 2008.

Tuy nhiên, theo lời phát ngôn viên Roque, một số người nghi ngờ tính khả thi của thỏa thuận chung vì Trung Quốc không thích các hoạt động chung.

Quan hệ giữa Philippines với Trung Quốc đã nồng ấm hơn dưới quyền của Tổng thống Duterte. Ông Duterte đã gạt các vụ tranh chấp lãnh thổ sang một bên để đổi lấy các cơ hội thương mại, và cam kết tài trợ của Trung Quốc cho các dự án cơ sở hạ tầng Philippines.

XS
SM
MD
LG