Đường dẫn truy cập

Malaysia kêu gọi ASEAN có 'biện pháp mạnh’ đối với Myanmar


Ghế của Myanmar bị bỏ trống trong Cuộc họp Hội đồng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC) lần thứ 27, trước Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta vào ngày 4/9/ 2023. (Ảnh: Mast IRHAM / POOL / AFP)
Ghế của Myanmar bị bỏ trống trong Cuộc họp Hội đồng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN (APSC) lần thứ 27, trước Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta vào ngày 4/9/ 2023. (Ảnh: Mast IRHAM / POOL / AFP)

Malaysia hôm thứ Hai kêu gọi các đối tác Đông Nam Á có biện pháp “mạnh” đối với các tướng lĩnh cầm quyền của Myanmar, vì “những trở ngại” mà họ tạo ra đã ngăn cản kế hoạch hòa bình cho đất nước đang bị xung đột tàn phá này.

Thông điệp thẳng thừng bất thường từ Malaysia được đưa ra khi các nhà ngoại giao hàng đầu Đông Nam Á nhóm họp để xem xét kế hoạch hòa bình của ASEAN đối với Myanmar bình bị đình trệ, với sự thất vọng ngày càng gia tăng trước việc quân đội không chấm dứt bạo lực hơn hai năm sau khi họ lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính.

Ngoại trưởng Malaysia Zambry Abdul Kadir nói với các phóng viên sau cuộc họp ở thủ đô Indonesia: “Malaysia và các nước thành viên khác nêu lên quan điểm rằng chúng tôi không thể cho phép tình trạng này tiếp diễn nếu không có các biện pháp mạnh mẽ và hiệu quả đối với chính quyền quân sự”.

Ông không nêu tên các thành viên khác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có chung quan điểm với ông.

Các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ nhóm họp tại Jakarta trong tuần này để thảo luận về Myanmar, bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, nền kinh tế khu vực, tội phạm xuyên quốc gia và các vấn đề khác.

Myanmar là một thành viên của ASEAN mặc dù các lãnh đạo chính quyền quân sự của nước này đã bị loại khỏi các cuộc họp của khối kể từ khi họ lật đổ chính phủ dân cử do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo vào năm 2021.

ASEAN đã đồng ý về một kế hoạch hòa bình, được gọi là đồng thuận năm điểm, kêu gọi chấm dứt bạo lực và đối thoại giữa tất cả các bên nhưng các tướng lĩnh hầu như không có hành động gì ngoài việc nói suông.

Ngoại trưởng Zambry cho biết kế hoạch hòa bình đã không được thực hiện hiệu quả vì "những trở ngại do chính quyền tạo ra".

Người phát ngôn của chính quyền Myanmar chưa đưa ra bình luận ngay lập tức nhưng các nhà lãnh đạo quân sự bác bỏ những chỉ trích từ bên ngoài và nói rằng họ phải hành động để bảo vệ đất nước khỏi kẻ thù, cả trong và ngoài nước.

Cuộc khủng hoảng ở Myanmar đã đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả và sự thống nhất của khối ASEAN đa dạng về chính trị, được thành lập vào đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh vào những năm 1960 để chống lại sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản.

Trong nhiều năm, ASEAN đã thúc đẩy "đối thoại mang tính xây dựng" với quân đội Myanmar trước sức ép của phương Tây nhằm cô lập các tướng lĩnh cầm quyền lâu năm và ép họ bằng các biện pháp trừng phạt để cải cách.

Cuộc đảo chính đầu năm 2021 đã kết thúc một thập kỷ cải cách sơ khởi, trong đó có hai cuộc bầu cử mà khôi nguyên giải Nobel Hòa bình Suu Kyi đều giành chiến thắng, đồng thời đặt lại hy vọng trong và ngoài ASEAN rằng Myanmar đang tiến tới chính phủ dân sự, ổn định chính trị và tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng mới của Campuchia, Hun Manet, xuất hiện lần đầu tại một cuộc họp quốc tế với tư cách là lãnh đạo, đã đề cập đến “đối thoại mang tính xây dựng”, kể lại việc cha ông, cựu Thủ tướng Hun Sen, đã đến thăm Myanmar vào năm 2022 “để ủng hộ việc giảm căng thẳng leo thang và tạo điều kiện cho các hoạt động mang tính xây dựng, đối thoại giữa các bên liên quan để đạt được hòa bình lâu dài”.

ASEAN hàng chục năm nay đã hoạt động theo nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và đạt được thỏa thuận trên cơ sở đồng thuận.

Ông Hun Manet nói hiệp hội phải ngăn chặn việc sử dụng vũ lực chống lại các quốc gia có chủ quyền trong một thế giới ngày càng nguy hiểm:

“Chúng ta đang ở trong thời kỳ khó khăn với nhiều bất ổn lớn, sự cạnh tranh địa chính trị giữa các cường quốc ngày càng gay gắt, gây ra những thay đổi liên tục trong nền kinh tế, thương mại khu vực và toàn cầu, đồng thời gây áp lực lớn hơn đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng cho toàn thể ASEAN.

“Cộng đồng ASEAN và quốc tế phải thể hiện vai trò lãnh đạo trong việc phản đối việc sử dụng vũ lực đe dọa một quốc gia có chủ quyền.”

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi, trong bài phát biểu khai mạc với tư cách là chủ tịch ASEAN năm nay, cho biết bản đánh giá về kế hoạch hòa bình của Myanmar sẽ được trình lên các lãnh đạo nhóm vào cuối tuần này.

Bà nói: “ASEAN chỉ có thể tiến lên với toàn bộ sức mạnh nếu chúng ta có thể đảm bảo một giải pháp hòa bình và lâu dài ở Myanmar”.

Indonesia, quốc gia kêu gọi đoàn kết trong bối cảnh hoài nghi ngày càng tăng về độ tin cậy của khối, đã và đang tiến hành những nỗ lực ngầm để tìm giải pháp cho tình trạng hỗn loạn ở Myanmar nhưng hầu như không đạt được tiến bộ gì đáng kể.

Cuối tuần này, các nhà lãnh đạo và quan chức hàng đầu từ các nước đối tác như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và các nước khác sẽ đến Jakarta họp với các đối tác ASEAN.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ không tham dự. Phó Tổng thống Kamala Harris, phó tổng thống người Mỹ gốc Á đầu tiên, sẽ thay thế ông.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường sẽ tham dự.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG