Đường dẫn truy cập

Một số vấn đề khiến EU phân tâm về bầu cử Iraq


Cử tri Iraq đi bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử quốc hội, 28/4/14
Cử tri Iraq đi bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử quốc hội, 28/4/14
Cuộc bầu cử vào thứ Tư tại Iraq có một ý nghĩa quan trọng đối với các nước Âu châu, vốn quan ngại về sự mất ổn định ở Trung Ðông. Nhưng thông tín viên VOA Al Pessin tường thuật từ London rằng các nhà lãnh đạo ở châu Âu đang bận tâm về những vấn đề khác và dù gì, cũng không có mấy ảnh hưởng đối với những diễn biến tại Iraq và vùng phụ cận.

Cuộc bầu cử của Iraq đã mang các đối thủ lâu đời trở lại tiền trường và thường là với kết quả bạo lực. Ðiều đó càng gây chia rẽ thêm giữa các phe phái ở đất nước này, theo lời tóm lược của người đàn ông đã mất 3 con trai trong một cuộc tấn công vào tháng Chín:

“Tôi muốn nói rằng không có một công dân Sunni nào sẽ bầu cho một ứng cử viên Shia, cũng như không có người Shia nào bầu cho một ứng viên Sunni. Ðó là một thực tế”.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử vẫn tiến hành, với các lực lượng an ninh bỏ phiếu sớm để họ có thể giữ gìn an ninh trong ngày bầu cử.

Ðây là một thời điểm quan trọng đối với một đất nước mà Hoa Kỳ và châu Âu đã mất hàng ngàn binh sĩ để lật đổ nhà độc tài Saddam Hussein và thiết lập một hệ thống dân chủ.

Nhưng bây giờ, mới 2 năm sau khi các binh sĩ ngoại quốc cuối cùng rời khỏi đất nước này, các nhà lãnh đạo châu Âu lại phải tập trung vào cuộc khủng hoảng tại Ukraine, vào tương lai của các đồng minh NATO, vào các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran và vào bất cứ điều gì ngoại trừ chuyện chính trị trong nước ở Iraq và các quốc gia Ả Rập khác.

Bà Myriam Benraad, một nhà phân tích Trung Ðông tại Hội đồng châu Âu ở phòng Quan hệ nước ngoài ở Paris nói qua Skype, “Tôi không nói là khu vực này bị lãng quên, nhưng rõ ràng không phải là ưu tiên của người Âu châu vào lúc này.

Bà nói, "Châu Âu và chính sách của họ đang ở giữa một cuộc khủng hoảng rất lịch sử. Châu Âu phải rất nghiêm túc đổi mới chính sách “láng giềng” nếu muốn duy trì bất kỳ lòng tin cậy rằng họ đang thực sự hỗ trợ cải cách dân chủ”.

Bà Benraad nói để tạo ảnh hưởng đối với các nhà lãnh đạo Iraq, châu Âu nên có chính sách bớt quan liêu và bớt tập trung vào các vấn đề kinh tế, và các nhà lãnh đạo cấp cao tham gia trực tiếp nhiều hơn và tập trung hơn vào các vấn đề dân chủ và nhân quyền:

“Câu hỏi là “Liệu châu Âu có sức mạnh và khả năng thực hiện cam kết đó hay không? Và cho đến lúc này thì không”.

Các lãnh đạo Tây phương đã không có khả năng gây ảnh hưởng đến những biến chuyển của Ai Cập từ một chế độ độc tài quay sang một chính phủ Hồi giáo lãnh đạo và bây giờ lại trở lại với chế độ độc tài, và cũng không gây được ảnh hưởng đối với cuộc nội chiến Syria và sự cải thiện rõ ràng vị thế của Tổng thống Bashar al-Assad, hoặc đối với liên minh chính trị Palestine dường như đã làm tiêu tan hy vọng vào các cuộc hòa đàm được Hoa Kỳ hậu thuẫn.

Các nhà phân tích cho rằng sự bất mãn và những vấn đề cấp bách khác đã khiến các giới chức châu Âu phải suy nghĩ nhiều về mặt ngăn chặn các sự việc ở Trung Ðông vượt ra khỏi tầm kiểm soát, hơn là về các cơ hội có thể có được cho việc giao tiếp xây dựng.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG