Đường dẫn truy cập

Luật mới của Trung Quốc gây nhiều lo ngại trước Đại hội Đại biểu


Nhân viên an ninh đứng gác ở Đại lễ đường Nhân dân trong các cuộc họp trước lễ khai mạc của Đại hội nhân dân toàn quốc (NPC), tại Bắc Kinh, ngày 04/3/2016.
Nhân viên an ninh đứng gác ở Đại lễ đường Nhân dân trong các cuộc họp trước lễ khai mạc của Đại hội nhân dân toàn quốc (NPC), tại Bắc Kinh, ngày 04/3/2016.

Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn Quốc của Trung Quốc (NPC) khai mạc những cuộc họp thường niên vào ngày thứ Bảy, và một số luật mà cơ quan lập pháp hàng đầu của nước này có thể duyệt xét đã khơi lên lo ngại ở cả trong và ngoài nước.

Một số những luật gây tranh cãi bao gồm Luật Quản lý Tổ chức Phi Chính phủ Nước ngoài (NGO), Luật An ninh Nhà nước và Luật Chống Khủng bố, cũng như những đề xuất bảo vệ luật sư.

Lo ngại được bày tỏ

Vào ngày thứ Sáu, trong một lá thư gửi đến Chủ tịch NPC Trương Đức Giang, tổ chức nhân quyền quốc tế Theo dõi Nhân quyền kêu gọi cơ quan lập pháp gần 3.000 đại biểu này bác bỏ hoặc sửa đổi những luật đe dọa tới những bảo đảm đối với quyền con người ở trong nước và quốc tế.

Chính quyền Tập Cận Bình liên tiếp tấn công quyền tự do ngôn luận, những cuộc biểu tình ôn hòa và những người bảo vệ nhân quyền, Sophie Richardson, Giám đốc Trung Quốc của tổ chức đặt ở Mỹ này, viết.

"Bất kỳ nỗ lực nào mà NPC có thể thực hiện nhằm bác bỏ những luật làm xói mòn những quyền này sẽ là một tia hy vọng cho người dân khắp Trung Quốc," bà viết.

Tổ chức nhân quyền này kêu gọi đại hội làm cho những luật gây tranh cãi, trong đó có Luật Từ thiện, phù hợp với những luật lệ và tiêu chuẩn quốc tế tương tự.

Chia sẻ mối lo ngại tương tự vào tuần trước, những vị đại sứ ở Bắc Kinh của các nước Mỹ, Canada, Đức, Nhật Bản và Liên minh châu Âu cũng bày tỏ lo ngại của họ về những luật chống khủng bố, an ninh mạng và quản lý những tổ chức phi chính phủ nước ngoài, điều mà họ nói là sẽ "có tiềm năng cản trở thương mại, kiềm hãm sự cải tiến, và vi phạm nghĩa vụ bảo vệ quyền con người của Trung Quốc phù hợp với luật pháp quốc tế."

Đặc biệt, luật quản lý tổ chức phi chính phủ nước ngoài, đứng đầu danh sách lo ngại của Tổ chức Lo ngại Luật sư Nhân quyền Trung Quốc. Luật này dự kiến sẽ cho cảnh sát Trung Quốc quyền lực rộng lớn để áp đặt những khoản tiền phạt, giải tán những cuộc tụ tập xã hội hoặc thực hiện những vụ đột kích mà không cần trình tự tư pháp hoặc giám sát, Kit Chan, phát ngôn viên của tổ chức đặt ở Hong Kong này, cho biết.

"Kiểu giới hạn này không rõ ràng. Nó giống như bất kỳ những luật nào khác của Trung Quốc vào thời điểm này, cụ thể là Luật hình sự, Luật Tố tụng Hình sự mà chúng ta thấy, có rất nhiều điều khoản mơ hồ và không chính xác được sử dụng. Rồi cuối cùng, luật sẽ được cảnh sát diễn giải," Chan nói.

Cần quản lý tổ chức phi chính phủ

Nhưng phát ngôn viên của NPC Phó Oánh bác bỏ những chỉ trích, nói rằng luật này có ý định tốt là quản lý số lượng ngày càng tăng những tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Trung Quốc, hiện đang ở mức 7.000.

"Luật này nhắm mục tiêu tạo ra một môi trường pháp lý được quản lý nhiều hơn. Nó không phải để cấm đoán hoặc hạn chế những hoạt động có lợi hay hợp pháp của những tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Trung Quốc," bà Phó cho biết trong một cuộc họp báo quốc tế, ca ngợi công tác tốt đẹp của những tổ chức phi chính phủ trong việc chiến đấu chống lại tình trạng hoang mạc hóa ở quê hương Nội Mông của bà.

Những tổ chức nhân quyền lập luận rằng những luật gây tranh cãi cho thấy rõ những nỗ lực của Trung Quốc sử dụng pháp luật để thắt chặt kiểm soát xã hội nhân danh an ninh quốc gia.

"Bây giờ nó không chỉ là về pháp luật, nó là bất cứ điều gì mà họ [Trung Quốc] sẽ sử dụng để kiểm soát xã hội dân sự đang được đặt dưới cái cớ là an ninh quốc gia," Chan nói. "Vấn đề là chúng ta không thực sự thấy bất kỳ bằng chứng rõ ràng nào mà họ có thể trưng ra để biện bạch."

Giống như những tổ chức nhân quyền và những nhà ngoại giao khác, Chan bày tỏ hy vọng rằng những đại biểu NPC có thể xem xét tới tiếng nói của khu vực tư nhân khi sửa đổi những luật này.

Bà Phó Oánh, phát ngôn viên quốc hội Trung Quốc trả lời các câu hỏi của phóng viên trong cuộc họp báo tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 4/3/2016.
Bà Phó Oánh, phát ngôn viên quốc hội Trung Quốc trả lời các câu hỏi của phóng viên trong cuộc họp báo tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 4/3/2016.

Hợp thức hóa cho Đảng

Nhưng Trương Thiên Phàm, giáo sư luật tại Đại học Bắc Kinh, khuyên các nhà hoạt động không nên đặt nhiều kỳ vọng.

"Xã hội dân sự hy vọng tiếng nói của họ sẽ được lắng nghe trong các cuộc họp [của NPC] hoặc được chú ý nhiều hơn. Nhưng NPC không hề là một cơ quan hoạch định chính sách quan trọng. Mặc dù trong Hiến pháp ghi là vậy nhưng NPC được nhiều coi là là cơ quan hợp thức hóa [cho những quyết định của đảng]," ông Trương nói.

Biện hộ cho NPC, bà Phó cho biết phiên họp sắp tới sẽ rất quan trọng trong việc thúc đẩy một môi trường pháp lý cho Trung Quốc.

Khi được yêu cầu bình luận về vụ đàn áp những luật sư nhân quyền hồi gần đây, bà Phó đã đưa ra câu trả lời khéo léo.

"Hiện chúng tôi đang tích cực thúc đẩy nền pháp trị. Một tập hợp những luật sư lành mạnh là quan trọng cho việc thi hành nghiêm chỉnh luật pháp và những quy định của quốc gia trong khi duy trì sự bình đẳng xã hội và công lý... Trong khi đó, quyền của luật sư được hành nghề phải được bảo vệ," bà Phó nói.

Cả ông Trương và bà Chan gọi câu trả lời này chỉ là lời nói suông.

Theo thống kê của Tổ chức Lo Ngại Luật sư Nhân quyền Trung Quốc, 317 luật sư và cộng sự của họ đã bị bắt, giam giữ, bị theo dõi ở nhà hoặc mất tích, tính đến ngày thứ Sáu. Đa số những người gặp phải rắc rối với nhà chức trách vì công tác của họ cũng bị từ chối của đại diện pháp lý.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG