Đường dẫn truy cập

Liên doanh Mỹ-Việt dự tính đầu tư 6 tỷ USD vào dự án điện khí ở Việt Nam


Một cơ sở sản xuất khí tự nhiên hoá lỏng. Liên doanh Mỹ-Việt Chân Mây LNG dự tính đầu tư tới 6 tỷ USD vào 1 dự án điện khí tại Việt Nam.
Một cơ sở sản xuất khí tự nhiên hoá lỏng. Liên doanh Mỹ-Việt Chân Mây LNG dự tính đầu tư tới 6 tỷ USD vào 1 dự án điện khí tại Việt Nam.

LNG Chân Mây, một công ty liên doanh của Mỹ với Việt Nam, có kế hoạch đầu tư tới 6 tỷ USD vào một dự án điện ở Việt Nam nhắm mục tiêu khai thác thị trường điện năng có mức cầu đang tăng cao của quốc gia Đông Nam Á này, cũng như giúp thu hẹp thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam.

Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng từ năm 2021 do nhu cầu vượt xa việc xây dựng các nhà máy mới.

Dự án tại tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ bao gồm một nhà máy điện 4 gigawatt, một trạm LNG (khí tự nhiên hoá lỏng) và kho chứa LNG, theo John Rockhold, CEO của liên doanh với 60% vốn của Mỹ, nói với Reuters bên lề Diễn đàn cao cấp về năng lượng Việt Nam 2020.

Lễ ký biên bản ghi nhớ giữa LNG Chân Mây và Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế diễn ra hôm 22/7 trong khuôn khổ diễn đàn tại Hà Nội, theo truyền thông trong nước.

Việc xây dựng nhà máy điện dự kiến sẽ bắt đầu vào năm tới, theo đó giai đoạn đầu tiên của việc sản xuất 2,4 GW sẽ được vận hành từ năm 2024 và toàn bộ nhà máy sẽ đi vào hoạt động từ năm 2027, ông Rockhold cho Reuters biết.

"Chúng tôi có sự hỗ trợ lớn từ chính phủ Mỹ cho dự án này, vì Mỹ sẽ có thêm thị trường đế bán LNG," giám đốc điều hành LNG Chân Mây nói. "Chúng tôi có một số nhà cung cấp LNG của Mỹ và chúng tôi hiện đang có các giao dịch với họ."

Khi đi vào hoạt động đầy đủ, dự án sẽ nhập khẩu khí tự nhiên hoá lỏng trị giá khoảng 1,2 tỉ USD mỗi năm, ông Rockhold cho biết và nói thêm rằng nó sẽ giúp thu hẹp thâm hụt thương mại mà Mỹ đang gánh chịu với Việt Nam.

Việt Nam đang tìm cách nhập khẩu thêm hàng hóa của Mỹ, như than đá và khí tự nhiên hoá lỏng, để thu hẹp khoảng cách thương mại sau khi Tổng thống Donald Trump đe dọa đánh thuế lên các sản phẩm của Việt Nam trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

LNG Chân Mây, có 40% vốn sở hữu bởi các nhà đầu tư Việt Nam, cho biết một số tổ chức đã cho thấy họ quan tâm đến việc cung cấp tài chính cho các dự án, bao gồm Ngân hàng Exim Bank của Mỹ, Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và tổ chức tài chính quốc tế IFC thuộc Ngân hàng Thế giới có trụ sở chính ở Washington, DC.

Ông Rockhold cho biết nhà máy sẽ sử dụng tua-bin do General Electric của Mỹ sản xuất.

"Dự án hiện đang nằm trên bàn của Thủ tướng (Việt Nam) và chúng tôi hy vọng sẽ nhận được giấy phép đầu tư vào mùa thu này", ông nói với Reuters.

VOA Express

XS
SM
MD
LG