Đường dẫn truy cập

LHQ xét duyệt hiệp ước hạt nhân giữa lúc quan ngại tăng cao về vấn đề phổ biến


Vào cuối tháng này, Liên Hiệp Quốc sẽ chủ trì một hội nghị quan trọng để xét duyệt Hiệp ước Cấm Phổ biến Vũ khí Hạt nhân, còn gọi tắt là NPT. Thỏa thuận quan trọng này nhắm mục đích ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân. Nhưng cuộc xét duyệt năm nay dự kiến sẽ gây nhiều tranh cãi và có thể trắc nghiệm tính khả thi của hiệp ước này. Thông tín viên VOA Steve Herman tường thuật từ văn phòng Đông Nam Á của đài VOA ở Bangkok

Cứ 5 năm 1 lần, hiệp ước quan trọng về giải giới và cấm phổ biến hạt nhân, có hiệu lực từ năm 1970, lại được đưa ra cho các nước ký tên xét duyệt.

Theo dự kiến, sẽ có một số sự kiện ngoạn mục lần này nếu như các quốc gia Ả Rập tuyên bố họ không còn muốn chấp nhận hiện trạng là những nước ký tên vào hiệp ước, trong khi Israel, được nhiều người cho là có một kho vũ khí hạt nhân, lại không phải là một nước ký tên vào hiệp ước.

Các thách thức về phổ biến do Iran và Bắc Triều Tiên đề ra cũng sẽ nằm trong nghị trình cuộc xét duyệt năm 2015, bắt đầu vào ngày 27 tháng này tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York và kéo dài 1 tháng. Nghĩa là chỉ có 25 ngày sau một thỏa thuận khung về việc ngăn chặn các chương trình hạt nhân của Iran.

Iran là nước ký tên vào NPT, được chấp thuận bởi hơn 180 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên đã rút ra khỏi hiệp ước vào năm 2003.

Đài VOA đã hỏi ông Adam Scheinman, đại diện đặc biệt của Tổng thống Hoa Kỳ về vấn đề cấm phổ biến hạt nhân, rằng hội nghị xét duyệt NPT dự kiến sẽ hoàn thành được điều gì có liên quan đến Bắc Triều Tiên. Ông Scheinman đáp:

“Không có gì nhiều lắm. Chắc chắn chúng ta có thể nêu ra rằng Bắc Triều Tiên đã tách rời khỏi các cam kết của họ. Chúng ta có thể kêu gọi Bắc Triều Tiên không nên thực hiện thêm các hành động có thể gây ra một tình hình khó khăn hơn trong khu vực bằng cách tiến hành các cuộc thử nghiệm hạt nhân hay các cuộc thử nghiệm phi đạn đạn đạo này khác. Và chúng ta hy vọng hình thức ngôn từ đó sẽ được sự ủng hộ của hội nghị xét duyệt.”

Vị đại diện này nói Hoa Kỳ hy vọng Bình Nhưỡng sẽ hiểu rằng những phát biểu như thế nêu bật sự cô lập của họ đối với cộng đồng quốc tế.

Phát biểu từ Washington với các phóng viên trong một cuộc hội thoại điện đàm hồi khuya hôm qua, Đại sứ Scheinman nêu ra rằng Bắc Triều Tiên đã không từ bỏ các chương trình hạt nhân của họ như đã cam kết trong những cuộc đàm phán trước đây và trong một thông cáo chung năm 2005:

“Chúng tôi muốn thấy tiến trình ngoại giao thành công nhưng Bắc Triều Tiên cần phải đến bàn thảo luận với thái độ là họ sẵn sàng từ bỏ các chương trình hạt nhân như họ đã cam kết. Quả bóng nay ở bên sân của Bắc Triều Tiên về vấn đề đó.”

Vị đại sứ nói Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết thách thức hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

“Chúng tôi đã làm việc với Trung Quốc trong nhiều năm để theo đuổi và đưa Bắc Triều Tiên vào khung sườn đàm phán 6 bên và điều đó vẫn tiếp tục. Chúng tôi đã mở những cuộc thảo luận rất thường xuyên với Trung Quốc. Các nhà ngoại giao của chúng tôi nói chuyện với các nhà ngoại giao Trung Quốc rất nhiều lần về các vấn đề chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên và các nỗ lực đưa Bắc Triều Tiên trở lại tiến trình ngoại giao. Và tôi có thể bảo đảm với quý vị là điều đó sẽ tiếp tục.”

Thoạt đầu Bắc Triều Tiên đã chứng tỏ khả năng vũ khí hạt nhân của mình bằng một cuộc thử nghiệm nguyên tử thành công dưới mặt đất vào năm 2006. Người ta cho rằng nước này có đủ plutonium và được cho là có khả năng chế tạo các vũ khí bằng nhiên liệu uranium.

Các nhà khoa học và các phân tích gia tình báo đang tham gia một cuộc tranh luận liên tục về mức độ tiến bộ mà Bắc Triều Tiên đã đạt được hướng tới mục tiêu có thể bố trí một vũ khí hạt nhân trên một phi đạn đạn đạo tầm xa.

Ngoài Bắc Triều Tiên, các nước khác có kho vũ khí hạt nhân hiện không phải là các bên trong NPT là Ấn Độ, Israel và Pakistan.

Các nhà phân tích lo ngại rằng kho vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên và mối quan tâm về sự bành trường quân sự của Trung Quốc có thể khiến cho các nước như Nhật Bản và Nam Triều Tiên tính đến việc sở hữu vũ khí hạt nhân của riêng mình, bất kể đã ký vào NPT. Cả hai nước này đều nằm dưới sự bảo vệ của chiếc ô dù hạt nhân của Hoa Kỳ.

Tại Trung Đông, những nghi ngại về sự thành thực trong cam kết của Iran về việc không chế tạo bom nguyên tử đã gây ra những lo sợ rằng Ả Rập Xê-út có thể theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân của riêng mình.

VOA Express

XS
SM
MD
LG