Đường dẫn truy cập

LHQ kêu gọi Thái Lan tăng tốc cuộc điều tra về nhân vật tranh đấu bị mất tích


Các nhà hoạt động sắc tộc Karen ở phía bắc của tỉnh Chiang Mai, Thái Lan, cầm bức ảnh ông Porlajee Rakchongcharoen trong cuộc biểu tình bên ngoài văn phòng chính phủ, yêu cầu chính quyền đẩy nhanh cuộc điều tra về việc ông bị mất tích
Các nhà hoạt động sắc tộc Karen ở phía bắc của tỉnh Chiang Mai, Thái Lan, cầm bức ảnh ông Porlajee Rakchongcharoen trong cuộc biểu tình bên ngoài văn phòng chính phủ, yêu cầu chính quyền đẩy nhanh cuộc điều tra về việc ông bị mất tích

Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tuần này kêu gọi chính phủ Thái Lan tăng tốc các cuộc điều tra về vụ mất tích cách đây một năm của một nhà hoạt động môi trường người thiểu số Thái. Thông tín viên VOA Ron Corben tường trình về một vụ việc mà giới hoạt động cho rằng nêu bật một dấu hiệu đáng ngại khác về nhân quyền dưới chính thể quân trị của nước này.

Nhà hoạt động sắc tộc Karen, Porlajee Rakchongcharoen, đã mất tích hồi tháng 4 năm ngoái sau khi các giới chức công viên cho biết ông đã bị bắt giữ trong một thời gian ngắn, bị thẩm vấn và được phóng thích bởi trưởng cơ quan Công viên Quốc gia Kaeng Krachan.

Nhưng ông Porlajee, được biết nhiều hơn dưới biệt hiệu “Billy” chưa hề được thấy lại.

Cảnh sát Thái nhấn mạnh rằng họ đang tiếp tục điều tra về vụ mất tích của nhà hoạt động đã giúp người Karen sinh sống ở công viên quốc gia lớn nhất Thái Lan để tường trình về hoạt động bất hợp pháp.

Nhà chức trách Thái đã thuyên chuyển người đứng đầu công viên này ra khỏi chức vụ để giúp cảnh sát điều tra, nhưng các tòa án đã bác bỏ những cố gắng của gia đình ông Billy muốn liên kết các giới chức công viên với vụ ông mất tích.

Các tổ chức nhân quyền cũng đã quay sang Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Thái Lan, các tòa án Thái Lan và các cơ quan quốc tế trong cố gắng đi tìm nhà hoạt động, mà không đạt được kết quả.

Trong tuần lễ đánh dấu đúng một năm ngày ông Billy mất tích, văn phòng nhân quyền Liên Hiệp Quốc kêu gọi chính phủ Thái Lan tăng tốc cuộc điều tra và tiến hành một cuộc tìm hiểu minh bạch về vụ việc.

Nhà hoạt động nhân quyền Angkhana Neelapaichit, từng hỗ trợ cho vợ và 5 đứa con của ông Billy, nói rằng nhiều người trong cộng đồng sắc tộc Karen nay sống trong sợ hãi kể từ khi ông Billy mất tích:

“Không ai nhìn thấy ông kể từ lúc đó. Và ông không hề về nhà. Mọi người đều biết ông đã bị bắt và khi ông mất tích thì tất cả mọi người, tất cả những người Karen đều rất sợ hãi. Không ai muốn bàn tán; không ai muốn tranh đấu đòi công lý. Đối với Billy, chỉ có gia đình ông là phải làm nghĩa vụ tranh đấu cho công lý, đòi có công lý.”

Có chồng là Somchai Neelapichit, một luật sư nhân quyền, đã mất tích năm 2004, bà Angkhana nói rằng đa số những người bênh vực nhân quyền bị giết hay mất tích đều có liên quan những vấn đề dính dáng đến cộng đồng hay quyền sở hữu đất nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Bà nói chính phủ Thái Lan phải đáp lại những đề nghị của quốc tế để bảo vệ những người tranh đấu cho nhân quyền. Nhưng điều đó khó xảy ra dưới chính quyền quân trị, vốn đã bị chỉ trích vì đình chỉ chế độ dân chủ và hạn chế gay gắt các quyền tự do chính trị.

Các tổ chức nhân quyền cũng đã kêu gọi phóng thích 17 sinh viên hoạt động bị bắt giữ ở miền nam Thái Lan ngày 2 tháng 4 mà không bị truy tố và bị bắt đi từ ký túc xá đại học ở tỉnh Narithiwat. Tin cho hay tất cả đều là thành viên của mạng lưới Sinh viên Hồi giáo sắc tộc Malay.

Tại Thái Lan, nhiều tổ chức phi chính phủ ngày càng lo ngại về chủ trương cứng rắn của chính phủ quân nhân đối với việc bình luận và chỉ trích công khai. Bà Evelyn Balais-Serrane, giám đốc tổ chức nhân quyền Forum Asia, nói:

“Từ ít lâu này có cái mà ta gọi là dân chủ ở Thái Lan. Nhưng chúng ta nhận thấy trong diễn biến hồi gần đây là dân chúng thực sự sợ hãi, Ngay cả việc đưa ra những lời phát biểu hay tham gia vào một số hoạt động, họ thực sự không muốn bị nhận diện và chấp nhận rủi ro. Sự sợ hãi bao trùm vào lúc này và đó cũng là điều dễ hiểu.”

Năm 2014, một chuyên gia độc lập của LHQ về nhân quyền và môi trường đã cảnh báo rằng những người vận động về quyền sở hữu đất và phát triển tài nguyên thiên nhiên là nhóm người bênh vực lớn thứ nhì có nguy cơ bị sát hại.

Tổ chức Human Rights Watch nói nhà cầm quyền Thái Lan đã thất bại không dành ưu tiên cho hơn 60 vụ cưỡng bách mất tích trong hơn 1 thập niên qua.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG