Đường dẫn truy cập

Chấm dứt thiết quân luật ở Thái Lan không được coi là lý do vui mừng


Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha lắng nghe một nhà báo đặt câu hỏi tại cuộc họp báo ở Bangkok, Thái Lan, 31/3/15
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha lắng nghe một nhà báo đặt câu hỏi tại cuộc họp báo ở Bangkok, Thái Lan, 31/3/15

Quốc vương Thái Lan dự kiến sẽ cho phép chấm dứt nhiều tháng quân luật ở nước này. Nhưng theo tường trình của thông tín viên VOA Steve Herman từ Bangkok, nhiều người không coi đây là một lý do để vui mừng.

Việc chấm dứt hơn 10 tháng quân luật ở Thái Lan không được các chuyên gia pháp lý và giới bảo vệ nhân quyền hân hoan đón nhận.

Họ cảnh báo rằng quân luật đang được thay thế bằng việc áp dụng một phần của hiến chương tạm thời còn dành cho tập đoàn lãnh đạo vương quốc này nhiều quyền hành hơn nữa.

Ủy ban Nhân quyền Toàn quốc Thái Lan, không được tiếng là có chủ trương táo bạo, đang thẳng thừng cảnh báo rằng bãi bỏ quân luật và áp dụng Điều 44 trong hiến chương tạm thời, thay thế hiến pháp sau cuộc đảo chính ngày 22 tháng 5 năm ngoái, sẽ dành cho Thủ tướng Prayuth Chan-ocha quyền tuyệt đối.

Ông Sunai Phasuk, nhà nghiên cứu kỳ cựu ở Thái Lan của tổ chức quốc tế Human Rights Watch biểu đồng tình:

“Việc ấy sẽ cho phép Tướng Prayuth, thủ tướng và là người lãnh đạo tập đoàn cầm quyền, củng cố các quyền hạn trong tay tới mức ông ta có thể ra lệnh cho bất cứ ai làm hay không được làm bất cứ điều gì. Nay ông nắm quyền quyết định, vô giới hạn và không kiểm soát được. Và các quyết định của ông có thể được thực hiện một cách toàn quyền.”

Cựu tư lệnh quân đội Prayuth, người đã lên nắm quyền kiểm soát chính phủ trong một cuộc đảo chính cách đây gần 10 tháng, hứa sẽ sử dụng các quyền hành rộng rãi của ông một cách có trách nhiệm, và nói những người đã không làm “việc gì sai trái” không cần phải sợ hãi. Tuy nhiên, ông thẳng thắn cảnh bảo rằng “nếu có bất kỳ tiếng súng nào và bất kỳ lý do gây rối nào, tôi sẽ ra lệnh bắt giữ ngay tức thời.”

Ông Sunai thuộc Human Rights Watch nói bất chấp những đảm bảo của thủ tướng là sẽ hành động một cách có trách nhiệm, tổ chức của ông không thể nhìn thấy làm cách nào mà việc áp dụng hiến chương tạm thời có thể dẫn đến sự cải thiện tình hình nhân quyền ở Thái Lan:

“Theo điều 44 các mệnh lệnh sẽ được công bố cho phép quân đội bắt và giam giữ những người bất đồng chính kiến, biệt giam họ trong ít nhất 7 ngày. Như thế chẳng khác nào tình hình hiện nay dưới quân luật.”

Thái Lan đã bị đặt dưới áp lực của cộng đồng ngoại giao đòi chấm dứt quân luật, áp đặt 2 ngày trước cuộc đảo chính.

Các giới chức trong chính phủ đặt dưới sự lãnh đạo của tập đoàn quân nhân nhấn mạnh rằng điều khoản gây tranh cãi trong hiến chương tạm thời sẽ chỉ được sử dụng để giải quyết một cách cấp bách những vấn đề quốc sự mà không vi phạm đến nhân quyền.

Vụ quân nhân lên nắm quyền hồi năm ngoái – là vụ mới nhất trong một loạt các cuộc đảo chính tương tự - diễn ra tiếp theo một thời kỳ biểu tình ngoài đường phố đôi khi gây bạo động, chủ yếu do phe chống đối chính phủ dân cử.

Tập đoàn cầm quyền đã thề quyết vĩnh viễn xóa bỏ ảnh hưởng trong chính sự của dòng họ Shinawat, đã hậu thuẫn cho phe thắng trong mọi cuộc bầu cử kể từ năm 2001.

Cả ông Thaksin Shinawatra, vào năm 2006, lẫn người em gái là Yingluck Shinawatra, hồi năm ngoái đều bị buộc phải rời chức.

Ông Thaksin hiện đang tự ý sống lưu vọng vì bị buộc tội tham nhũng vào năm 2008. Bà Yingluck thì đang phải đối mặt với cáo trạng hình sự.

Những người ủng hộ hai anh em Shinawatra nói các vụ kiện chống lại họ đều mang tính cách chính trị.

Nhà vua được nhiều người tôn sùng, Quốc vương Bhumibol, 87 tuổi đã bị đau yếu trong nhiều năm. Người con trai có thể lên kế vị là Đông cung Thái tử Vajiralongkorn, không quy tụ sự ngưỡng mộ ở mức độ giống như thân phụ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG