Đường dẫn truy cập

LHQ bày tỏ quan ngại mới về chương trình hạt nhân Iran


Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei phát biểu trước hội nghị thượng đỉnh Phong trào Phi Liên kết tại Tehran, 30/8/2012
Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei phát biểu trước hội nghị thượng đỉnh Phong trào Phi Liên kết tại Tehran, 30/8/2012
Lãnh tụ Tối cao Iran tuyên bố nước ông không theo đuổi vũ khí hạt nhân nhưng sẽ không từ bỏ quyền sử dụng năng lượng hạt nhân nhằm mục đích hòa bình.

Giáo chủ Ali Khamenei phát biểu trước hội nghị thượng đỉnh Phong trào Phi Liên kết tại Tehran hôm thứ Năm, giữa lúc Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế của Liên Hiệp Quốc bày tỏ những quan ngại mới về chương trình hạt nhân gây nhiều tranh cãi của Iran.

Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế nói Iran có khả năng tăng hơn gấp đôi công xuất của chương trình tinh luyện hạt nhân của họ tại một cơ sở hạt nhân dưới mặt đất được bảo vệ nghiêm ngặt, và được biết đến dưới tên Fordo.

Trong một phúc trình công bố hôm thứ Năm, cơ quan này còn đề cập tới “những hoạt động dồn dập” - ám chỉ nỗ lực nhằm phi tang những bằng chứng tại khu phức hợp quân sự Parchin của Iran, và những hành động này có thể cản trở cuộc điều tra về quy mô của các hoạt động hạt nhân của Iran.

Hôm thứ Tư, cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hiệp Quốc loan báo việc thành lập một lực lượng đặc nhiệm để điều tra chương trình hạt nhân của Iran.

Hoa Kỳ, Israel và một số quốc gia khác tin là Iran đang bí mật chế tạo vũ khí hạt nhân.

Iran đang tìm cách tận dụng vai trò đứng đầu Phong trào Phi Liên kết trong 3 năm, để vận động sự ủng hộ đối với chính sách nâng cấp uranium của nước này, và cho lập trường chống Israel và phương Tây của họ.

Bài diễn văn của lãnh tụ tối cao Iran cũng nhắm vào Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Ông Khameini mô tả Hội đồng Bảo an là không hợp lý, không công bằng và là một tàn dư của quá khứ, vẫn được Hoa Kỳ sử dụng “để áp đặt thái độ bắt nạt thế giới.”

Trong một phát biểu trong cùng hội nghị, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi Iran hãy xoa dịu những quan ngại của quốc tế bằng cách “tuân thủ toàn bộ” các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và hợp tác với Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế. Iran đang phải đối phó với một loạt biện pháp chế tài do Liên Hiệp Quốc áp đặt vì đã thách thức những nghị quyết của Hội đồng Bảo An về chương trình tinh luyện hạt nhân của họ.

Tại một cuộc họp riêng hôm thứ Tư, các giới chức nói ông Tổng Thư Ký kêu gọi các nhà lãnh đạo Iran hãy tiến hành những bước “cụ thể” để giải quyết những lo ngại quốc tế về chương trình hạt nhân của Tehran, giữa lúc có nhiều tin đồn về một cuộc tấn công mà Israel có thể thực hiện, nhắm vào các cơ sở tinh luyện uranium của Iran.

Ông Ban kêu gọi cả Iran lẫn Israel hãy giảm bớt những lời lẽ có tính khích động.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã bác bỏ những lời trấn an của Iran rằng chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm mục đích hòa bình, nếu không có các cuộc thanh sát của quốc tế, và không có một thỏa thuận theo đó Iran hứa sẽ không tinh chế uranium, quá mức trung bình.

Phong trào Phi Liên kết hình thành trong thời Chiến tranh Lạnh để cung cấp một diễn đàn cho các quốc gia không liên kết với Hoa Kỳ hay Liên bang Sô Viết.

Tuy nhiên kể từ khi Liên bang Sô Viết tan rã hồi năm 1991, tổ chức này vẫn chật vật trong việc xác định đường lối và mục đích tồn tại, cũng như tầm ảnh hưởng của mình.

Iran bị chỉ trích

Iran đã đối mặt với nhiều lời chỉ trích tại hội nghị thượng đỉnh hôm thứ Năm về những vấn đề khác, ngoài chương trình hạt nhân của nước này.

Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi mạnh mẽ đả kích đồng minh của Iran, Tổng thống Syria Bashar al-Assad, nói rằng ông Assad lãnh đạo một chính phủ "đàn áp" đã mất tính chính đáng. Phái đoàn Syria bước ra ngoài phòng hội để phản đối.

Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đưa ra những lời lẽ ôn hòa hơn về vấn đề Syria, ông kêu gọi một tiến trình chính trị để chấm dứt tranh chấp.

Ông được sự đồng tình khi nêu một lập luận phổ biến trong Phong trào Phi Liên kết, khi ông lên tiếng kêu gọi các nước đang phát triển phải có tiếng nói lớn hơn trong các vấn đề thế giới.

Tuy nhiên ông cũng kêu gọi phải có hành động trong những vấn đề như khủng bố quốc tế, cấm phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, mối đe dọa do hải tặc gây ra, và mối đe dọa ngày càng tăng đối với an ninh Internet và thách thức của nỗ lực phát triển bền vững về mặt sinh thái.”

Những lợi ích đối với Iran chỉ giới hạn

Ông Mark Fitzpatrick, chuyên viên về Iran thuộc Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế London nói Iran sẽ được một số quyền lợi trong vai trò lãnh đạo Phong trào Phi Liên kết nhưng như phiên họp ngày thứ Năm đã chứng minh, những quyền lợi này chỉ có giới hạn.

Ông Fitzpatrick nói trong khi có 120 quốc gia được đại diện, và hơn một chục nguyên thủ quốc gia có mặt tại hội nghị, thì ít ra, chính phủ Iran cũng tạm thời bớt bị cô lập về mặt ngoại giao.

Tuy nhiên ông và những chuyên viên khác nói Iran rất khó có thể thuyết phục quá nhiều quốc gia khác nhau ủng hộ nghị trình về chính sách của Iran, đặc biệt khi hầu hết các nước đều ủng hộ các biện pháp cấm vận đối với Iran và nhiều nước đã bỏ phiếu chống Iran tại các phiên họp của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG