Đường dẫn truy cập

Thái Lan: Lãnh tụ phe Áo Đỏ bị bắn, bạo động tiếp diễn


Lãnh tụ phe Áo Ðỏ Kwanchai Praipana.
Lãnh tụ phe Áo Ðỏ Kwanchai Praipana.
Một nhân vật lãnh đạo của phe Áo Đỏ thân chính phủ đã bị thương sau khi bị bắn ở miền bắc Thái Lan trong lúc thủ đô Bangkok được đặt trong tình trạng khẩn trương để ứng phó với những vụ bạo động chính trị.

Cảnh sát cho biết lãnh tụ phe Áo Đỏ, ông Kwanchai Praipana hôm nay bị bắn trúng hai lần bởi những kẻ vũ trang không rõ lai lịch lái xe ngang qua nhà ông trong tỉnh Udon Thani ở miền bắc.

Vụ này xảy ra tiếp theo sau những vụ tấn công nhắm vào những người biểu tình chống chính phủ, là những người ngày hôm nay đã xuống đường biểu tình ở Bangkok sang tới ngày thứ 9 liên tiếp.

Bạo động đã khiến cho chính quyền ban hành tình trạng khẩn trương trong 60 ngày ở Bangkok và vùng phụ cận, tuy không có dấu hiệu nào cho thấy các lực lượng an ninh sẽ tìm cách giải tán những cuộc biểu tình.

Mặc dù cảnh sát đã tăng cường việc kiểm tra tại các trạm kiểm soát gần những khu lều trại của người biểu tình, sự hiện diện của binh lính trên đường phố không mấy đông đảo.

Giới hữu trách cũng không ban hành lệnh giới nghiêm hay ngăn cấm những cuộc tụ họp chính trị, là những việc mà họ được phép thực hiện trong tình trạng khẩn trương.

Đại tướng Prayuth Chan-ocha, Tổng Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Thái Lan, cho biết binh sĩ của ông “sẽ không đưa đất nước vào bạo động.” Nhưng ông cảnh báo rằng trong trường hợp tình hình không thể giải quyết được, “binh sĩ sẽ phải can thiệp để giải quyết.”

9 người đã bị thiệt mạng kể từ tháng 11 trong vụ bạo động chính trị tệ hại nhất ở Thái Lan kể từ năm 2010. Ít nhất 28 người bị thương hôm chủ nhật trong hai vụ đánh bom gần một khu lều trại của người biểu tình ở Bangkok. Hôm thứ 6, một người thiệt mạng trong một vụ đánh bom khác ở thủ đô.
Một số người biểu tình thuộc phe đối lập, trong đó có ông Sirijai Puapanwattana, nói rằng việc ban bố tình trạng khẩn trương làm cho tự do của họ bị hạn chế.

"Chính quyền chỉ nên ban bố tình trạng khẩn trương khi nào những người biểu tình tạo ra một tình huống khẩn cấp. Những người biểu tình không hề gây ra bạo động mà chính họ là mục tiêu tấn công của những hành vi bạo động."

Những người biểu tình đang đòi thành lập một Hội đồng nhân dân không do dân bầu ra để thay thế chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra mà họ cho là một chính phủ thối nát và có tính chất bè phái.

Bà Yingluck không chịu từ chức và giữ nguyên quyết định tổ chức bầu cử vào ngày 2 tháng 2, mặc dù phe đối lập tuyên bố họ sẽ tẩy chay cuộc đầu phiếu.

Vì e rằng rối loạn có thể làm cho cuộc bầu cử không thể tiến hành, Uûy ban Bầu cử Thái Lan hôm nay cho biết họ sẽ yêu cầu Tòa án Hiến pháp phân xử về vấn đề họ có quyền hoãn cuộc bầu cử hay không.

Vương quốc Thái Lan đã trải qua nhiều vụ xáo trộn chính trị trong những năm gần đây vì sự bất đồng giữa hai phe Aùo Đỏ và Aùo Vàng. Phe Aùo Vàng là những người trung lưu ở thành thị và những người thuộc giai cấp thượng lưu có chủ trương bảo hoàng. Trong khi đó, phe Aùo Đỏ phần lớn là những người nghèo ở nông thôn, ủng hộ bà Yingluck và anh của bà là cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Ông Thaksin bị lật đổ năm 2006 trong một cuộc đảo chánh của quân đội. Ông đang sống lưu vong sau khi bị tuyên án tù về tội tham nhũng.

Đảng Pheu Thai của bà Yingluck theo dự liệu sẽ giành được phần thắng một cách dễ dàng trong cuộc bầu cử quốc hội, nhờ vào những chính sách có lợi cho dân chúng ở nông thôn mà ông Thaksin đã thực hiện.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG