Đường dẫn truy cập

Lãnh đạo VN đi họp LHQ, vận động cho ‘ghế’ không thường trực ở HĐBA


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tối 26/9 đã tới Mỹ cùng với phái đoàn lãnh đạo Việt Nam để tham dự phiên thảo luận chung tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ, đồng thời vận động các nước ủng hộ cho Việt Nam ứng cử vào vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo An (HĐBA) Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, truyền thông Việt Nam dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao cho biết.

“Việc ứng cử vào HĐBA thể hiện đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, cũng như mong muốn của Việt Nam được đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế”, trang mạng của chính phủ Việt Nam dẫn phát biểu của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trong cuộc họp vận động cho chiếc ghế tại HĐBA lần thứ hai.

10 năm trước, Việt Nam lần đầu tiên được chọn giữ vị trí không thường trực HĐBA LHQ trong nhiệm kỳ 2008-2009. Trong thời gian giữ vai trò này, Việt Nam đã “giúp” cho Myanmar tránh được một lệnh cấm vận, từ đó dẫn đến mối quan hệ giữa hai bên phát triển “rất tốt”, kéo theo việc Vietnam Airlines mở đường bay sang Myanmar và các doanh nghiệp Việt Nam sang làm ăn tại nước này sau đó, theo tiết lộ của TS. Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, thuộc Học viện Ngoại giao-Bộ Ngoại giao Việt Nam, với báo Đầu tư hồi tháng 6.

Theo nhà nghiên cứu này, việc Việt Nam ứng cử vào HĐBA Liên Hiệp Quốc “vô cùng quan trọng” bởi vì nó giúp mang lại “lợi thế rất lớn về mặt chính trị”, cho Việt Nam cơ hội tiếp cận với các nước lớn, nhỏ khi được giao nhiệm vụ làm chủ tịch luân phiên hay chủ trì các sự kiện lớn.

Việt Nam giành được đề cử vào vị trí này trong cuộc họp với các nước nhóm châu Á-Thái Bình Dương tại Liên Hiệp Quốc vào ngày 25/5.

Kể từ đầu năm nay, Việt Nam đã có các bước nhằm vận động cho việc ứng cử vào chiếc ghế không thường trực tại HĐBA như tổ chức hội thảo quốc tế, thông tin vận động trên truyền thông...

Chuyên gia Murray Hiebert của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Mỹ (CSIS) nhận định rằng “những năm gần đây, Việt Nam ngày càng chủ động trong việc tham gia vào các định chế quốc tế, trong Liên Hiệp Quốc, ASEAN, WTO”, và "theo đuổi các lợi ích riêng của Việt Nam gắn với theo đuổi lợi ích chung của cộng đồng quốc tế".

Ông cho rằng lý do các nước châu Á-Thái Bình Dương chọn Việt Nam làm ứng cử viên cho vị trí này là “vì họ biết rằng Việt Nam rất năng động, tích cực và có khả năng để phản ánh quan điểm của cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương tại Liên Hiệp Quốc”.

Theo nhà phân tích chuyên về châu Á này, trong thời gian qua, Việt Nam tập trung vào việc đưa những vấn đề xảy ra trên Biển Đông ra trước cộng động quốc tế, như những yêu sách chủ quyền và các hoạt động của Trung Quốc, nên “có thể Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội này, không nhất thiết là để đánh trực tiếp Trung Quốc nhưng để nêu những vấn đề như an ninh hàng hải, tự do hàng hải…”

“Việt Nam cũng cần quốc tế giúp giải quyết những vấn đề như tranh chấp giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng, trong đó có Việt Nam, ở Biển Đông”, ông Hierbert nói.

HĐBA LHQ có 15 thành viên, trong đó có 5 thành viên thường trực và 10 thành viên không thường trực được bầu với nhiệm kỳ 2 năm. Dự kiến, cuộc họp biểu quyết cho vị trí mà Việt Nam ứng cứ sẽ diễn ra vào tháng 6/2019.

VOA Express

XS
SM
MD
LG