Đường dẫn truy cập

Lãnh đạo Trung Quốc tìm cách nắn doanh nghiệp theo ý Đảng


Cuộc triển lãm thành tựu 5 năm lãnh đạo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, ngày 28/9/2017.
Cuộc triển lãm thành tựu 5 năm lãnh đạo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, ngày 28/9/2017.

Trong một năm qua đã chứng kiến việc các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc triệt các khoản đầu tư nước ngoài "không hợp lý" và giám sát chặt chẽ một số nhà doanh nhiệp lớn nhất nước, các nhà phân tích cho biết đại hội Đảng trong tháng này sẽ được sử dụng để gò nắn các công ty Trung Quốc theo ý Đảng.

Kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền ở Đại hội Đảng kỳ trước vào năm 2012, vai trò của Trung Quốc trên sân khấu toàn cầu cũng đã tăng lên đáng kể. Đồng thời, nền kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu chựng lại và đã có một dòng thoát vốn khổng lồ chạy ra ngoài.

Lãnh đạo và nền kinh tế tương lai

Phần lớn sự tập trung trong Đại hội Đảng19 sắp tới là một cuộc cải tổ lãnh đạo năm năm một lần - sẽ là cách ông Tập tiếp tục củng cố vị thế của mình như là nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhất của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, đại hội cũng sẽ vạch ra chính sách kinh tế của chính phủ trong 5 năm tới.

Một khía cạnh quan trọng của nỗ lực này cần theo dõi là những tín hiệu mà đảng sẽ gửi đi cho các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc đang ngày càng mạnh và giàu lên.

Trong 9 tháng vừa qua, một số thương nhân nước ngoài lớn nhất ở Trung Quốc đã bị đưa vào tầm ngắm khi Đảng chủ trương giám sát dòng thoát vốn và các hoạt động tài chính bất thường khác. Các nhà phân tích cho biết điều này đã dẫn tới một bầu không khí lo sợ trong cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Christopher Balding, phó giáo sư tài chính và kinh tế thuộc trường Đại học Kinh doanh HSBC, nói với VOA rằng "Chúng tôi đã quan sát rõ rằng nhiệm vụ chính của các công ty và con người là phục vụ cho Đảng. Tôi nghĩ có một mâu thuẫn lớn bởi vì quí vị không thể vừa phục vụ vì lợi nhuận vừa làm hài lòng đảng Cộng sản, đó là hai mục tiêu mâu thuẫn nhau."

Vai trò của doanh nghiệp lớn

Tháng trước, Uỷ ban Trung ương Đảng và Hội đồng Nhà nước đã công bố các hướng dẫn chung, trong đó kêu gọi tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với các hoạt động kinh doanh. Các hướng dẫn cam kết tăng cường bảo vệ cho các công ty nội địa và giúp chống lại chủ nghĩa bảo hộ cấp tỉnh. Đồng thời, bản hướng dẫn cũng yêu cầu các doanh nhân hoạt động phù hợp với tôn chỉ yêu nước và tiết kiệm.

Ngoài các hướng dẫn, giới lãnh đạo Trung Quốc cũng đưa ra những luật lệ mới đối với các khoản đầu tư ở nước ngoài, trong đó sẽ lập danh sách đen các công ty đầu tư vào những lĩnh vực rủi ro và "vô lý" như đầu tư vào bất động sản, giải trí và thể thao.

Các quan chức cho biết các công ty sẽ không bị cấm thực hiện các khoản đầu tư ở nước ngoài, nhưng "sẽ bị trừng phạt khi họ trở nên bất trị với các nhà quản lý."

Các nhà phân tích nói rằng sẽ không cò bất kỳ hình thức phản đối nào chống lại hành động của đảng.

Ông Balding nói: "Từ những người mà tôi quen biết trong cùng ngành ở Trung Quốc. Họ không thích điều này và họ không cảm thấy thoải mái với quy định này. Rồi họ sẽ làm gì? Họ sẽ phải đồng hành với những gì họ được hướng dẫn."

Thập kỷ qua đã chứng kiến Đảng Cộng sản Trung Quốc khuyến khích các doanh nhân đóng vai trò lớn hơn trong các hoạt động của đảng, cùng với các chính trị gia truyền thống và quân đội mở rộng không gian cho những doanh nghiệp mới tham gia vào lĩnh vực tài chính và sản xuất. Đảng và chính phủ cũng khuyến khích các công ty Trung Quốc mở rộng thi trường ra nước ngoài vì họ được xem là phục vụ cho mục tiêu đóng vai trò chính trong các vấn đề thế giới của Trung Quốc.

Đầu tư ra nước ngoài

Nhưng vào cuối năm ngoái, sau khi hàng trăm tỷ đôla đã chảy ra ngoài, làm suy giảm dự trữ ngoại hối của Trung Quốc, đảng bắt đầu điểm mặt những khoản đầu tư như vậy và cho rằng đó là một rủi ro "an ninh quốc gia."

Ông Scott Kennedy thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - CSIS, nói: "các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc, cho dù là của nhà nước hay tư nhân, đều phải rất thận trọng trong tình hình hiện nay."

Bắt đầu vào tháng Giêng, chính phủ đảo ngược chính sách khuyến khích đầu tư ra nước ngoài. Các cơ quan chính phủ, bao gồm cả ngân hàng trung ương, đã phát động đợt truy soát và đình chỉ các hoạt động, không chỉ để kiểm tra dòng thoát vốn, mà còn truy tố những người bị nghi ngờ chuyển một khoản tiền lớn ra khỏi nước trong các lĩnh vực kinh doanh mà chính phủ coi là những lĩnh vực không ưu tiên.

Tương lai của cải cách kinh tế?

Có sự đồng thuận ngày càng tăng giữa các nhà phân tích rằng đại hội sắp tới sẽ không thúc đẩy quá trình cải cách kinh tế như các nhà lãnh đạo Cộng sản hứa hẹn lâu nay. Thay vào đó, đảng có thể lựa chọn để dung hòa và có thể đảo ngược một số khía cạnh của chương trình cải cách kinh tế.

David Kelly nói rằng "Chương trình cải cách sẽ được thông báo tại Đại hội Đảng lần thứ 19 sẽ là một nghị trình cải cách có chỉnh đổi và sẽ không có liên quan chặt chẽ đến dấu ấn cải cách được hứa hẹn trong Hội nghị lần thứ 3 của Đảng."

Ông Chang Liu, chuyên gia kinh tế Trung Quốc thuộc công ty tư vấn Capital Economics cho biết sẽ rất sai lầm khi trông đợi có cải cách dựa trên cơ chế thị trường, đặc biệt là vì chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ưu ái các doanh nghiệp nhà nước hơn khu vực tư nhân.

Ông Chang nói thêm: "Chúng tôi nghĩ rằng những hy vọng muốn cải cách nhanh dựa trên cơ chế thị trường dưới thời Chủ tịch Tập luôn có thể làm chúng ta thất vọng. Ông Tập cho thấy không mặn mà lắm với những cải cách dựa trên cơ chế thị trường, và điều này thậm chí sẽ làm suy yếu khu vực kinh tế nhà nước, khu vực mà ông xem là quan trọng về mặt chính trị."

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG