Đường dẫn truy cập

Lãnh đạo NATO chờ ông Trump tới thăm với nhiều âu lo 


TTK NATO Jens Stoltenberg nói chuyện với báo chí khi ông đến dự một buổi họp về chính sách đối ngoại tại tòa nhà Europa ở Brussels,18/5/2017.
TTK NATO Jens Stoltenberg nói chuyện với báo chí khi ông đến dự một buổi họp về chính sách đối ngoại tại tòa nhà Europa ở Brussels,18/5/2017.

Trong chuyến công du đầu tiên ra nước ngoài, Tổng thống Donald Trump sẽ gặp lãnh đạo các nước thành viên NATO khác ở Bruxelles. Một số nhà lãnh đạo rất lo ngại về cam kết Tổng Thống Mỹ đối với liên minh phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO), một liên minh trong đó Hoa Kỳ đã đóng vai trò chủ lực từ khi thành lập vào lúc khởi đầu Chiến tranh lạnh.

Tổng thống Trump cho biết ông đã thay đổi ý kiến sau khi gặp gỡ Tổng Thư Ký NATO vào tháng trước. Ông nói:

“Trước đây tôi nói NATO đã lỗi thời, NATO không còn lỗi thời nữa.”

Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump đã gây lo ngại cho các thành viên NATO khi ông cam kết sẽ đưa ra một lập trường về thế giới có tính cách dân tộc chủ nghĩa và có khuynh hướng cô lập hóa. Nhưng sau rốt, lập trường đó được coi là không thực tế, theo lời một số nhà phân tích.

Giáo sư James Goldgeier thuộc đại học American phát biểu:

“Trước đây, ông Trump nhận những thông tin khá sai lạc. Bây giờ vẫn không rõ ông ấy được thông tin tốt hơn thế nào, nhưng rất khó có thể vứt bỏ một liên minh đã được Hoa Kỳ đặt ở hạng ưu tiên đầu trong chính sách an ninh quốc gia từ năm 1949 cho tới bây giờ.”

Các cố vấn hàng đầu nói ông Trump sẽ mang theo thông điệp đó tới Bruxelles. Cố vấn An ninh Quốc gia McMaster:

“Tổng thống Trump hiểu rằng chính sách Nước Mỹ Trên Hết không có nghĩa là Nước Mỹ đơn độc. Ngược lại, đặt các lợi ích của nước Mỹ lên hàng ưu tiên cao hơn có nghĩa là phải củng cố các quan hệ liên minh và đối tác khả dĩ có thể giúp chúng ta nới rộng ảnh hưởng và cải thiện an ninh của nhân dân Mỹ.”

Tuy nhiên ông Trump vẫn duy trì lập trường cứng rắn về một vấn đề, ông nhấn mạnh tất cả các nước hội viên NATO phải chia sẻ gánh nặng một cách công bằng bằng cách thực thi cam kết sẽ đóng góp 2% GDP cho ngân sách quân sự của mình.

Ông Stephen Blank thuộc Hội đồng Chính sách Đối ngoại Hoa Kỳ, nhận định:

“Vấn đề đặt ra ở đây là, những khoản đầu tư đó sẽ mang lại kết quả nào? Họ phải làm rất nhiều điều trước khi có thể đuổi kịp. Họ chỉ mới bắt đầu đổ ra những khoản đầu tư cần thiết. Và lẽ dĩ nhiên, là phải thành lập một lực lượng đa quốc, rồi hội nhập lực lượng đó thành một đơn vị chiến đấu có quy củ.”

Những người ủng hộ NATO nói rằng trong bối cảnh nước Nga đang trở nên ngày càng trở nên hung hăng hơn, vùng Trung Đông đang tan rã và chiến dịch chống khủng bố vẫn kéo dài tại Afghanistan và nhiều nơi khác, thì sự hiện diện của liên minh phòng thủ Bắc Đại Tây Dương, tức NATO, vẫn cần thiết hơn bao giờ hết. Những người này hy vọng các nguyên thủ quốc gia khác tham dự hội nghị thượng đỉnh Bruxelles, có thể thuyết phục Tổng thống Trump về thực tế đó.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG