Đường dẫn truy cập

Kinh tế Việt Nam bùng nổ


Cựu danh thủ bóng đá Anh David Beckham (phải), hoa hậu Việt Nam 2018 Trần Tiểu Vy (giữa) và giám đốc thiết kế của VinFast Dave Lyon giới thiệu chiếc xe ô tô đầu tiên của Việt Nam tại buổi lễ ra mắt ở Paris Motor Show hôm 1/10.
Cựu danh thủ bóng đá Anh David Beckham (phải), hoa hậu Việt Nam 2018 Trần Tiểu Vy (giữa) và giám đốc thiết kế của VinFast Dave Lyon giới thiệu chiếc xe ô tô đầu tiên của Việt Nam tại buổi lễ ra mắt ở Paris Motor Show hôm 1/10.

Các công ty nước ngoài đổ xô vào Việt Nam.

Đầu năm nay, một trong những công ty quản lý đầu tư lớn nhất thế giới Warburg Pincus đã đưa thêm hạng mục ngân hàng và dịch vụ logistics vào danh mục đầu tư Việt Nam, tăng tổng vốn đầu tư vào quốc gia Đông Nam Á này lên hơn 1 tỷ USD.

Những nhà sản xuất ô tô như JAC Motors của Trung Quốc, hay Kamaz, nhà sản xuất xe tải lớn nhất ở Nga, gần đây đã vào thị trường Việt Nam. Tiền đang đổ vào quốc gia Đông Nam Á này từ khắp nơi trên thế giới, từ dịch vụ xe Gojek của Indonesia, cho đến công ty viễn thông Ooredoo của Qatar.

Với cuộc chiến tranh thương mại đang lan rộng khắp Thái Bình Dương và sự lo ngại về lãi suất lan truyền ở các thị trường mới nổi, phần lớn thị trường châu Á đang trong tình cảnh ảm đạm. Vậy tại sao nền kinh tế của Việt Nam lại là một điểm sáng?

Ổn định là chìa khóa

Tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam được dự báo sẽ tăng 7% trong năm nay. Tiền tệ và lạm phát ổn định. Tăng trưởng được dự đoán trong các ngành xuất khẩu, sản xuất, đầu tư trực tiếp nước ngoài, và các chỉ số khác cho thấy Việt Nam vượt xa các đối thủ khác trong nhóm 10 thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

"Việt Nam có thể sẽ vẫn là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất của ASEAN trong năm 2018 và 2019, như trong năm 2017," Chidu Narayanan, nhà kinh tế châu Á tại Ngân hàng Standard Chartered cho biết. "Chúng tôi tiếp tục lạc quan về tăng trưởng trung hạn mạnh mẽ của Việt Nam đối với hoạt động sản xuất, khi dòng vốn FDI vào sản xuất điện tử vẫn chắc chắn."

Ngân hàng của Anh này dự đoán một khoản thặng dư tài khoản vãng lai là 3,7% GDP trong năm 2018. Điều này có nghĩa là Việt Nam thu tiền vào từ thương mại và đầu tư nhiều hơn là lượng tiền trả ra nước ngoài. Điều đó bao gồm tăng thu nhập từ các ngành dịch vụ, chẳng hạn như gia công phần mềm công nghệ thông tin.

Để giải thích lý do tại sao nền kinh tế của đất nước 100 triệu dân vượt trội so với các nước trong khu vực, hãy nhìn vào các yếu tố như thương mại, chi tiêu của người tiêu dùng và chính trị.

Nhìn từ bên ngoài, thể chế cộng sản của Việt Nam dường như không có vẻ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Dù phải thông qua chính phủ độc đảng, nhưng nhiều nhà đầu tư thực sự cho rằng sự ổn định chính trị là lý do để họ tới Việt Nam. Và trên thực tế hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong một cơ chế thị trường tự do dưới sự kiểm soát của nhà nước trong một số mặt.

Sự ổn định chính trị góp phần vào sự ổn định kinh tế, và nó đã giúp Việt Nam giữ được ổn định trong thời gian chuyển tiếp lãnh đạo, mà ở các nước khác có thể gây biến động. Thị trường chứng khoán đã không bị lao dốc khi Chủ tịch Trần Đại Quang đột ngột qua đời vì bệnh hiểm nghèo vào tháng trước khi còn đương nhiệm. Ông sẽ được thay thế bởi người đứng đầu Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng, một người nổi tiếng trong việc duy trì hiện trạng.

“Sẽ không có thay đổi lớn trong chiến lược kinh tế hay hệ thống chính trị của Việt Nam do sự ra đi của Chủ tịch Trần Đại Quang,” theo giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales tại Học viện Quốc phòng Úc.

Hiệp định thương mại

Các hiệp định thương mại với càng nhiều quốc gia càng tốt là đặc trưng của chiến lược kinh tế Việt Nam. Thông qua ASEAN, Việt Nam có các hiệp ước thương mại với Úc, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Họ cũng đã ký kết Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương cũng như các thỏa thuận riêng biệt với Nga và Liên minh châu Âu.

Điều này có thể là một phần lý do khiến cho sự lạc quan về đầu tư tăng 6 điểm phần trăm giữa quý I và quý II năm nay, theo một cuộc điều tra của Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam đưa ra ngày 3/10.

"Kết quả này một lần nữa cho thấy rằng các công ty và nhà đầu tư châu Âu vẫn tự tin ở Việt Nam," đồng chủ tịch Nicolas Audier cho biết. "Vào thời điểm sắp đạt được thỏa thuận [thương mại tự do EU-Việt Nam] mang tính lịch sử, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư ở cả hai bên, chúng tôi hy vọng thông điệp tích cực này từ EuroCham và các nước thành viên sẽ truyền cảm hứng cho chính phủ (Việt Nam) tiếp tục mở cửa thị trường cho đầu tư nước ngoài."

Ngoài ra thị trường mua sắm Việt Nam cũng đang là yếu tố thu hút các doanh nghiệp tới đây. Chỉ số niềm tin tiêu dùng ở Việt Nam cao hơn ở Thái Lan, Malaysia và Singapore, theo công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho biết hồi tháng Ba. Khi thu nhập của người dân tăng lên, chi tiêu của họ thu hút các thương hiệu của mọi sản phẩm.

Nhà bán lẻ thời trang Tây Ban Nha Zara đã mở các cửa hàng ở Việt Nam, trong khi Apple vào tháng 9 đã mở đại lý bán lẻ cao cấp đầu tiên tại quốc gia này. Vingroup, một tập đoàn được thành lập bởi người giàu nhất Việt Nam, Phạm Nhật Vượng, đã tung ra một dòng xe ô tô trong tháng này với sự góp mặt của ngôi sao bóng đá David Beckham trong buổi ra mắt đình đám ở Paris.

Không có nền kinh tế hoàn hảo

Tất nhiên, không phải tất cả mọi thứ đều là hoa hồng. Các nhà kinh tế nói rằng Việt Nam cần phải theo dõi các khoản vay khi người tiêu dùng đang ngày càng sử dụng nhiều thẻ tín dụng hơn, nợ công của chính phủ đang chạm trần và các ngân hàng có nhiều khoản vay không có khả năng thanh toán hơn mong muốn. Ngành bất động sản cũng đang dịu xuống, và Việt Nam đang muốn tránh bất kỳ hệ lụy nào từ cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Lạm phát của Philippines đang tiếp cận 7%, mức cao nhất trong gần một thập kỷ qua. Ở Myanmar, tiềm năng kinh tế từng có vẻ như cao vời vợi thì nay lại đang thụt lùi vì nhà nước cho phép bạo lực sắc tộc diễn ra và bỏ tù các nhà báo.

Việt Nam không cách đó xa nhưng tại thời điểm này chưa bị những vấn đề như vậy.

VOA Express

XS
SM
MD
LG