Đường dẫn truy cập

Khách du lịch vẫn ra ngoài thăm thú Paris, bày tỏ tình đoàn kết


Du khách Mỹ Dawn Mabalon đứng trước Nhà thờ Đức Bà ở Paris, Pháp, ngày 15 tháng 11, 2015. (Lisa Bryant/VOA)
Du khách Mỹ Dawn Mabalon đứng trước Nhà thờ Đức Bà ở Paris, Pháp, ngày 15 tháng 11, 2015. (Lisa Bryant/VOA)

Dawn Mabalon và chồng đến Paris tối thứ Sáu, chỉ vài phút trước khi những kẻ khủng bố thực hiện một làn sóng những vụ tấn công chết người quanh thủ đô nước Pháp. Họ ăn tối tại một nhà hàng nhỏ, mừng chuyến thăm đầu tiên đến thành phố này, rồi tản bộ về khách sạn.

"Chúng tôi thấy một chiếc xe cứu thương chạy ngang và hú còi và chúng tôi nghĩ, trong thành phố lớn thì xe cứu thương vẫn hay chạy ngang mà,'" bà Mabalon nhớ lại. "Khi chúng tôi trở về và kết nối điện thoại thì điện thoại của tôi đổ chuông không ngớt. Gia đình tôi gọi tới xem chúng tôi có bị làm sao không."

Thay vì ở trong khách sạn, đôi vợ chồng đến từ California này hôm Chủ nhật ra ngoài dạo chơi trong một buổi chiều đầy nắng, tự chụp hình trước Nhà thờ Đức Bà.

"Trong nỗi buồn đau của chúng tôi, cuộc sống vẫn tiếp diễn," bà Mabalon nói. "Chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là thể hiện sự tôn trọng dành cho Paris và cho người ta thấy điều đó bằng cách tiêu tiền du lịch ở đây và giúp cho nền kinh tế. Và cũng cho thấy rằng những kẻ khủng bố không thể khiến chúng tôi ở trong nhà."

Suy nghĩ của bà Mabalon cũng giống như suy nghĩ của nhiều người khắp thành phố này sau những vụ tấn công hôm thứ Sáu. Người dân Paris cũng như khách du lịch đã bất chấp lời kêu gọi ở nhà của chính phủ vì những lo ngại về an ninh. Những chiếc thuyền lướt đi trên sông Seine chật cứng du khách nước ngoài. Những người tản bộ dừng lại nghe nhạc từ đàn accordion tại cây cầu Pont des Arts biểu tượng, và những người chạy bộ chạy dọc theo Kênh Saint Martin, gần nơi mà những kẻ tấn công nổ súng bắn vào hai tụ điểm ban đêm, làm chết 15 người.

Nhưng đó chỉ là một phần câu chuyện.

Những kẻ khủng bố hôm thứ Sáu tấn công một số nơi nằm ngoài bản đồ du lịch chính thống - tương tự như những vụ tấn công khủng bố hồi tháng 1 nhắm vào báo Charlie Hebdo và một siêu thị của người Do Thái.

Tuy nhiên, những vụ tấn công đã khiến ngành du lịch của Paris – mang về 17 tỉ đôla vào năm ngoái – nơm nớp lo sợ.

Những viện bảo tàng và những điểm tham quan chính khác đã đóng cửa kể từ những vụ tấn công hôm thứ Sáu, cùng với công viên Disneyland ở Paris. Một số hãng hàng không đề nghị hoàn lại tiền cho những hành khách không muốn đi tới đây.

Mohamed Nachait làm nghề lái xe đạp taxi ở Paris (Lisa Bryant/VOA)
Mohamed Nachait làm nghề lái xe đạp taxi ở Paris (Lisa Bryant/VOA)

Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi người lái xe đạp taxi Mohamed Nachait, đứng chờ khách gần Nhà thờ Đức Bà, tỏ ra lo lắng – dù anh nói rằng du lịch đã hồi phục sau khi những vụ tấn công hồi đầu năm nay.

"Chúng tôi sống nhờ du lịch trong thành phố này, nhưng mối đe dọa đã lan khắp mọi nơi," anh Nachait nói. "Nếu chúng ta chỉ nghe cảnh báo và ở nhà thì chúng ta lại tiếp thêm sức mạnh cho những kẻ này."

Với ít nơi mở cửa cho khách đến thăm - và được thúc đẩy bởi tinh thần đoàn kết - một số du khách đi tới viếng những địa điểm bị tấn công. Một trong những người này sinh viên Mustafa Etkaturk người Thổ Nhĩ Kỳ, đứng ở hàng rào cảnh sát đặt trước nhà hát Bataclan, nơi hơn 80 người thiệt mạng hôm thứ Sáu.

"Tôi hiểu cảm giác của họ bởi vì chúng tôi cũng bị đánh bom ở Ankara, và chúng tôi cũng mất bạn bè," anh Etkaturk nói. "Vì vậy chúng hiểu cảm xúc của họ lúc này. Và tôi cũng muốn chia sẻ cảm xúc của mình với họ."

Một người Hà Lan tên Ming Lam cùng những người bạn đến Quảng trường Cộng hòa ở trung tâm Paris, nơi hàng trăm người đứng quanh bức tượng Marianne mang tính biểu tượng của Pháp, để đặt hoa và nến. Quảng trường cũng là nơi đã chứng kiến những cuộc biểu tình hòa bình khổng lồ sau những vụ tấn công hồi tháng 1.

"Sợ thật, nhưng người ta vẫn phải tiếp tục sống," ông nói.

Khi được hỏi liệu ông có thông điệp nào cho khách du lịch khác không, ông nói thêm: "Cứ quay trở lại, cứ đến thăm. Pháp là một nơi rất đẹp."

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG