Đường dẫn truy cập

Janet Yellen, ứng viên Bộ trưởng Tài chánh trong nội các Biden


Bà Janet Yellen.
Bà Janet Yellen.

Bà Janet Yellen đang được sắp xếp để làm một công việc về chính sách kinh tế hàng đầu khác- đúng vào thời điểm đối đầu với một cuộc khủng hoảng kinh tế khác.

Bà Yellen mà người ta tiên đoán sẽ được Tổng thống tân cử Joe Biden chọn làm bộ trưởng tài chánh, đã phục vụ tại ủy ban hoạch định chính sách của Quỹ Dự trữ Liên bang trong cuộc khủng hoảng tài chánh 2008-2009, một cuộc khủng hoảng gần như đã làm ngưng trệ hệ thống ngân hàng.

Bà đảm nhiệm vị trí chủ tịch Quỹ Dự Trữ Liên Bang vào năm 2014 khi nền kinh tế vẫn đang còn phục hồi từ cuộc Đại Suy thoái gây nhiều tác hại.

Vào cuối những năm 1990, bà là cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Bill Clinton, trong giai đoạn khủng hoảng tài chánh Châu Á.

Và nay, theo như một người quen thuộc với kế hoạch chuyển tiếp của ông Biden, bà sẽ được chọn lãnh đạo Bộ Tài chánh với nền kinh tế đang nằm trong móng vuốt của đại dịch virus đang tăng mạnh.

Các ca virus gia tăng đang tạo áp lực lên công ty và cá nhân, với lo ngại ngày càng tăng là nền kinh tế có thể phải gánh chịu suy thoái kép vào lúc các tiểu bang và thành phố tái áp đặt hạn chế lên các cơ sở kinh doanh.

Tuy nhiên nhiều quan sát viên về nền kinh tế Mỹ xem bà Yellen là người lý tưởng thích hợp trong vai trò này.

“Bà có tài năng đặc biệt,” bà Diane Swonk, kinh tế gia trưởng tại công ty kiểm toán Grant Thornton nói. “Bà là người thích hợp cho thời điểm thách thức này. Bà đã làm việc qua từng cuộc khủng hoảng.”

Nếu được Quốc hội chuẩn thuận, bà Yellen sẽ là phụ nữ đầu tiên lãnh đạo Bộ Tài chánh trong gần 232 năm. Bà sẽ thừa hưởng một nền kinh tế với thất nghiệp vẫn còn cao, gia tăng các đe dọa đối với tiểu thương và những dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng đang giảm bớt chi tiêu vì đại dịch, hoặc không khuyến khích việc tiêu dùng.

Hầu hết các nhà kinh tế nói việc phân phối một vaccine hữu hiệu chắc chắn sẽ đẩy mạnh sự tăng trưởng trong năm tới. Tuy nhiên họ cảnh báo là bất cứ sự phục hồi bền vững nào cũng sẽ dựa vào việc liệu Quốc hội có thể sớm đồng ý về một gói cứu trợ có tầm cỡ để mang nền kinh tế qua điều mà ông Biden gọi sẽ là “một mùa đông đen tối” với đại dịch vẫn chưa kiểm soát được hay không.

Thương thuyết về chi tiêu thêm nữa của chính phủ bị bế tắc tại Quốc hội trong nhiều tháng nay.

Bà Yellen nghiêng về những gói kích cầu thêm nữa, trong đó có thêm tiền cho chính quyền các tiểu bang và địa phương, mà bà nói cần có được “sự ủng hộ cần thiết” để tránh cắt giảm thêm việc làm. Các khoản cứu trợ cho các tiểu bang là điểm chính trong những cuộc thương thuyết tại Quốc hội.

Ông Nathan Sheets, kinh tế gia trưởng tại tổ chức PGIM Fixed Income và là cựu viên chức cao cấp của Ngân hàng Trung ương và Bộ Tài chánh Mỹ, nói bà Yellen có thể sử dụng hữu hiệu “quyền hạn mạnh mẽ” trong những cuộc thương thuyết khó khăn với Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát.

Ông Sheets nói “bà Yellen có một khả năng duy nhất… để đối thoại về kinh tế hoặc và những chính sách kinh tế theo những thuật ngữ khiến người khác chấp nhận được.”

Bà cũng sẽ có cơ hội làm việc với Chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang Jerome Powell, mà bà Yellen có một mối quan hệ làm việc mật thiết, sau khi cùng nhau làm việc tại Quỹ Dự trữ Liên bang, để tái tục một vài chương trình cho vay khẩn cấp. Bộ trưởng Tài chánh Steven Mnuchin tuần trước nói chương trình sẽ hết hạn, như dự trù, vào cuối năm nay—một quyết định mà những chỉ trích cảnh báo là sẽ làm tê liệt Quỹ Dự trữ Liên bang, một cách không cần thiết.

Ông Powell bác bỏ động thái của Bộ Tài chánh, dù ông đồng ý trả lại tiền Quốc hội đã cho phép để ủng hộ việc cho vay.

Các kinh tế gia nói, những chương trình cho vay hầu hết sẽ được tái tục, sẽ là chương trình hỗ trợ cho các tiểu bang và thành phố và một chương trình thứ hai, có tên “Chương Trình Cho Vay Chính Ngạch” (Main Street Lending), nhằm vào các cơ sở kinh doanh nhỏ và vừa.

Không có chương trình nào đã cho vay rất nhiều. Tuy nhiên cần phải hiểu rằng những chương trình này tạo niềm tin cho thị trường tài chánh. Các nhà kinh tế nói Bà Yellen có thể giúp ông Powell đưa ra những điều khoản rộng rãi để gia tăng việc sử dụng chương trình.

Bà Yellen, 74 tuổi, một khuôn mặt từ lâu đã phá vỡ lãnh vực kinh tế do phái nam chế ngự, là phụ nữ đầu tiên làm Chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang từ năm 2014 đến 2018.

“Bà là một biểu tượng,” bà Stephanie Aaronson, phó chủ tịch Viện Brookings và là một cựu kinh tế gia hàng đầu tại Quỹ Dự trữ Liên bang nói. “Có một chủ tịch phái nữ có ý nghĩa rất nhiều đối với nhiều người.”

Bà Yellen nổi tiếng là một người chuẩn bị rất kỹ, đôi khi đòi hỏi quản lý rất thực tế và là người được các nhân viên Quỹ Dự trữ Liên bang mến mộ.

“Tôi chưa từng gặp người nào làm việc cho bà Janet hay làm việc với bà có những lời nói không tốt về bà,” bà Claudia Sahm, một cựu kinh thế gia của Quỹ Dự trữ Liên bang nói. “Bà là người nâng cao tinh thần của nhân viên.”

Dưới thời bà Yellen, ngân hàng trung ương bắt đầu thay đổi chính sách, tránh chú trọng đến việc chống lạm phát, là chính sách thụ động trong nhiều thập niên, để nỗ lực có thêm công ăn việc làm tối đa, nhiệm vụ thứ nhì trong hai nhiệm vụ của một người đứng đầu Fed.

Tiến trình này gia tăng trong mùa hè khi ông Powell loan báo là Quỹ Dự trữ Liên bang có kế hoạch giữ lãi suất cực thấp ngay cả sau khi lạm phát đã đạt đến tiêu điểm là 2%.

Là chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang, bà Yellen nhận được những lời ca ngợi do việc bà để ý đến những nhóm bị thiệt thòi, trong đó có những người thất nghiệp dài hạn, vào lúc có những bất bình đẳng tài chánh sâu rộng trên toàn quốc.

Bà có nhiều chuyến viếng thăm các trung tâm huấn nghệ để nhấn mạnh sự cần thiết của những chương trình huấn nghệ nhằm trang bị cho mọi người có được việc làm tốt.

Trong cuộc khủng hoảng tài chánh 2008-2009, biên bản những phiên họp của Quỹ Dự trữ Liên bang cho thấy bà Yellen biết trước các giới chức khác về tiềm năng của một cuộc suy thoái sâu rộng và sự phục hồi yếu kém sau đó.

Bà Yellen được Điện Capitol biết đến nhiểu sau nhiều năm điều trần tại các ủy ban Thượng viện trong tư cách là chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang về kinh tế và chính sách lãi suất. Trong những năm này, bà thường đụng độ với các nhà lập pháp Cộng hòa là những người cáo buộc bà giữ lãi suất quá thấp và quá lâu sau cuộc khủng hoảng tài chánh 2008.

Một số những người này cáo buộc bà và người tiền nhiệm, Ben Bernanke, đã nâng cao nguy cơ lạm phát và bong bóng tài sản có thể làm mất ổn định thị trường tài chánh.

Những lo ngại này đã không xảy ra. Trái lại, dưới thời ông Bernanke và bà Yellen—và sau đó, dưới thời ông Powell-- những khó khăn lớn hơn của Quỹ Dự trữ Liên bang chính là việc tăng lãi suất về hướng 2%, tiêu điểm hàng năm của Fed. Quỹ Dự trữ Liên bang chưa cương quyết làm như vậy.

Bà Yellen thuộc đảng Dân chủ đã chỉ phục vụ một nhiệm kỳ chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang khi Tổng thống Donald Trump quyết định thay thế bà bằng ông Powell thuộc đảng Cộng hòa, dù bà Yellen muốn làm thêm một nhiệm kỳ nữa. Động thái này phá vỡ truyền thống của các tổng thống trong 4 thập niên cho phép các chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang phục vụ ít nhất hai nhiệm kỳ ngay cả khi trước đó họ được tổng thống của đảng đối lập bổ nhiệm.

Sau khi rời khỏi Quỹ Dự trữ Liên bang, bà Yellen trở thành một chuyên gia có uy tín tại Viện Brookings tại Washington, một chỉ dấu cho thấy bà tiếp tục quan tâm đến việc hoạch định chính sách tài chánh.

Khi bà rời khỏi Quỹ Dự trữ Liên bang vào đầu năm 2018, ông Shawn Sebastian, đồng giám đốc của liên minh Fed-Up, một tập hợp những tổ chức cấp tiến, gọi việc bà Yellen ra đi là “một mất mát đối với người lao động trên toàn quốc.” Ông ca ngợi những nỗ lực của bà giải quyết “bất bình đẳng kinh tế, khác biệt chủng tộc trong nền kinh tế, vai trò của phụ nữ tại nơi làm việc và sự cần thiết có đa dạng hơn tại Quỹ Dự trữ Liên bang,”

Tuy nhiên một số người cấp tiến cũng chỉ trích bà Yellen về quyết định tháng 12/2015 nâng lãi suất căn bản khi ấy đang ở gần zero phần trăm, là mức bị “khóa lại” kể từ cuối năm 2018 giữa cuộc khủng hoảng tài chánh. Việc tăng lãi suất này, khiến làm đồng Mỹ kim tăng giá mạnh, góp phần vào việc làm chậm tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2016 và hiện được nhiều nhà kinh tế xem là quá sớm.

Bà Yellen kết hôn với ông George Akerlof, khôi nguyển Nobel kinh tế mà bà gặp trong một căn tin của Quỹ Dự trữ Liên bang vào năm 1977. Hai ông bà có một người con trai là Robert, giáo sư kinh tế.

VOA Express

XS
SM
MD
LG