Đường dẫn truy cập

Iran: Hoa Kỳ cần phải hành động trước nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân


Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif.

Hoa Kỳ cần có bước đi đầu tiên nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân với Iran, đại sứ Iran tại Geneva phát biểu trước Hội nghị Giải trừ quân bị do Liên Hiệp Quốc tài trợ hôm 24/2.

“Bên vi phạm có trách nhiệm quay trở lại, khởi động lại và đền bù cho những thiệt hại, cũng như cam đoan rằng họ sẽ không rút lại cam kết một lần nữa”, Đại sứ Esmaeil Baghaei Hamaneh nói.

“Có một con đường tiến về phía trước với một trình tự hợp lý như Bộ trưởng (Ngoại giao Iran) (Mohammad Javad) Zarif đã vạch ra gần đây”.

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi hôm 20/2 cho biết Iran đang xem xét đề xuất của Liên hiệp châu Âu (EU) về một cuộc họp không chính thức giữa các thành viên hiện tại của thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và Hoa Kỳ, nhưng vẫn chưa đưa ra phản hồi.

Đầu tháng này, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã đề xuất cách thức vượt qua sự bế tắc giữa Mỹ và Iran về việc nước nào sẽ có bước đi trước trong việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân, cho rằng người phụ trách chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell có thể "đạo diễn" các bước đi đó.

“Chúng tôi đang nghiên cứu đề xuất của ông Josep Borrell về việc tổ chức một cuộc họp không chính thức 4 + 1 (các thành viên thỏa thuận hạt nhân) với Hoa Kỳ và Iran, và chúng tôi đang tham khảo ý kiến với các đối tác của chúng tôi, gồm cả Nga và Trung Quốc, và chúng tôi sẽ phản hồi đề xuất này trong trong tương lai”, ông Araqchi nói trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình nhà nước.

Ông Araqchi nói: “Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng không cần phải có một cuộc họp để Hoa Kỳ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân và cách duy nhất là dỡ bỏ các lệnh trừng phạt”.

Trước sức ép từ Iran, Tòa Bạch Ốc hôm 19/2 cho biết Hoa Kỳ dự kiến không có thêm hành động nào trước các cuộc đàm phán tiềm năng với Tehran và các cường quốc khác về việc quay trở lại thỏa thuận.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết EU đã đưa ra ý tưởng về một cuộc thảo luận giữa Iran và sáu cường quốc từng đạt được thỏa thuận hạt nhân. "Phía châu Âu đã mời chúng tôi và... nó chỉ đơn giản là một lời mời trò chuyện, một cuộc trò chuyện ngoại giao”.

Theo thỏa thuận với các cường quốc, Iran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế. Washington áp dụng lại các biện pháp trừng phạt sau khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018 và Iran đáp trả bằng cách vi phạm một số giới hạn về hạt nhân trong thỏa thuận.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG