Đường dẫn truy cập

Hơn 50 ngư dân Việt Nam bị giam ở Indonesia kêu cứu


Các ngư dân Việt Nam bị tạm giam ở đảo Pontianak, Indonesia, hôm 8/11/2018. Photo Trần Trí
Các ngư dân Việt Nam bị tạm giam ở đảo Pontianak, Indonesia, hôm 8/11/2018. Photo Trần Trí

Các ngư dân Việt Nam trong số hơn 50 người đang bị bắt giữ tại trại tạm giam ở đảo Pontianak, Indonesia, nói với VOA rằng điều kiện sống của họ rất khó khăn, có người bị giam hơn 9 tháng mà chưa được hồi hương trong khi sự trợ giúp của cơ quan ngoại giao Việt Nam dường như rất ít và không hiệu quả.

Các ngư dân nói họ vô tội và đang rất tuyệt vọng trước những khó khăn trong thủ tục hồi hương, trong khi điều kiện sinh hoạt, ăn ở ở trại tạm giam thì thiếu thốn.

Ngư dân Nguyễn Trần Thành Trí, quê ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, chia sẻ với VOA qua Messenger:

“Hơn 50 ngư dân đã đóng tiền mua vé máy bay hơn tháng rưỡi nay mà phía Indonesia cứ hẹn… hết 1 tuần, rồi 2 tuần…và Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia cũng hẹn, hết 1 tuần… rồi lại 2 tuần…trong khi tình cảnh ở đây rất khó khăn và thiếu thốn.”

Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia cũng hẹn, hết 1 tuần… rồi lại 2 tuần…trong khi tình cảnh ở đây rất khó khăn và thiếu thốn.
Ngư dân Nguyễn Trần Thành Trí

Trại giam Pontianak thuộc tỉnh Tây Kalimantan trên đảo Kalimantan (còn gọi là Borneo), một trong 5 đảo lớn nhất của Indonesia, giáp với Malaysia và Brunei.

Anh Vũ Văn Chiến, nhân viên phục vụ nấu ăn cho một tàu đánh cá Việt Nam, bị đưa vào trại cách nay 2 tháng, chia sẻ về hoàn cảnh sống ở trại tạm giam:

“Do nơi ở ngột ngạt nơi nhiều người đã bị bệnh, xỉu lên xỉu xuống…Hằng ngày họ phát cho ba cục cơm: sáng, trưa, tối. Oải luôn. Họ chỉ mở cửa để đưa cơm vào chứ tụi này không được ra ngoài.”

Do nơi ở ngột ngạt nơi nhiều người đã bị bệnh, xỉu lên xỉu xuống…Hằng ngày họ phát cho ba cục cơm: sáng, trưa, tối. Oải luôn.
Ngư dân Vũ Văn Chiến

Ông Thành Trí cho biết thêm rằng có trường hợp ngư dân bị sốt rất cao xỉu trong buồng nửa đêm, khi gọi cấp cứu thì phải nằm chờ ở băng ghế ngoài trời đến sáng hôm sau mới được khám.

Ngư dân Nguyễn Văn Vũ, quê ở tỉnh Sóc Trăng, chi sẻ về tình hình sức khỏe của người bị giam giữ:

“Ở đây anh em bị bệnh liên tục, cứ cách một tuần thì có người xỉu. Đem ra thì họ để nằm ở ngoài, đến khi gần chết mới cho đi bệnh viện.”

Các ngư dân thường xuyên bị bệnh tật. Photo Trần Trí
Các ngư dân thường xuyên bị bệnh tật. Photo Trần Trí

Trong một video clip gửi cho VOA các ngư dân cho biết hơn 50 người bị giam ở ba căn phòng chật chội, oi bức, nhà vệ sinh ẩm thấp và nơi ngủ là nền gạch.

Một ngư dân khác cho biết nước sinh hoạt được bơm từ những con sông, mương gần đó nên bị nhiễm phèn nặng.

Anh Nguyễn Văn Vũ cho biết rằng sau hơn 9 tháng bị giam giữ anh chứng kiến được nhân viên sứ quán Việt Nam đến thăm một lần, nhưng nói rằng họ chỉ đến hỏi thăm về nơi sinh hoạt ăn ở, chứ “chưa giải quyết được gì.”

“Bị giam ở đây hơn 9 tháng, chúng tôi là ngư dân biển đi làm thuê, không có tội gì. Đại sứ quán Việt Nam có đến thăm một lần, chỉ hỏi han về sinh hoạt ăn uống, chứ chưa giúp được gì cả. Đại sứ quán nói sẽ bảo lãnh về nước, tụi em đã đóng tiền lâu rồi mà sao không được bảo lãnh. Họ cứ hẹn lần hẹn lựa hoài.”

Đại sứ quán Việt Nam có đến thăm một lần, chỉ hỏi han về sinh hoạt ăn uống, chứ chưa giúp được gì cả. Đại sứ quán nói sẽ bảo lãnh về nước, tụi em đã đóng tiền lâu rồi mà sao không được bảo lãnh.
Ngư dân Nguyễn Văn Vũ

Các ngư dân cho biết họ là những người làm thuê trên tàu cá và không có tội gì, ngoại trừ chủ tàu và chủ máy. Họ đã được chuyển đến các trại này để hoàn tất các thủ tục trao trả về nước, nhưng theo họ hình như có điều gì đó ách tắc ở phía cơ quan ngoại giao của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ngư dân Nguyễn Văn Vũ, có khoảng 40 người từ trại này đã được hồi hương trong 9 tháng qua.

VOA đã liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Jakarta, Bộ Ngoại giao Indonesia, và Cơ quan Giám sát Ngư nghiệp và Tài nguyên Biển Indonesia (PSDKP) thuộc Bộ Biển và Thủy sản (MMAF) của Indonesia, nhưng chưa được phản hồi.

Thông Tấn Xã Việt Nam cho biết thời gian để phía Indonesia hoàn thành hồ sơ thường kéo dài khoảng 2-3 tháng, sau đó kết quả này được chuyển cho phía Việt Nam để xác minh từ các cơ quan trong nước và các ngư dân phải nộp tiền mua vé máy bay về nước.

Truyền thông Việt Nam trích lời Đại sứ Việt Nam tại Indonedia Phạm Vinh Quang trong một chuyến thăm ngư dân Việt bị giam ở đảo Pontianak vào tháng 8 cho biết Đại sứ quán Việt Nam đã trao đổi với chính quyền và các cơ quan liên quan của Indonesia để phía Indonesia tạo điều kiện cho ngư dân Việt Nam tại đây có điều kiện sinh hoạt tốt hơn.

Việt Nam-Indonesia quyết xử lý đánh cá trái phép
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:17 0:00

Bộ Ngoại giao Việt Nam từng “bày tỏ quan ngại sâu sắc trước việc lực lượng chức năng Indonesia đánh chìm một số tàu cá của Việt Nam vi phạm vùng biển của Indonesia", và kêu gọi Jakarta xử lý ngư dân Việt vi phạm lãnh hải của Indonesia “trên tinh thần nhân đạo và quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước, cùng là thành viên của ASEAN.”

Vào tháng 5/2018, một trong các chủ tàu đánh cá của Việt Nam có phương tiện và thuyền viên bị Hải quân Indonesia tịch thu và bắt giữ đã lên tiếng kêu gọi phóng thích ngư dân và tàu thuyền, khẳng định rằng các ngư dân bị bắt oan và họ đánh bắt trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Ngư dân Việt bị Indonesia bắt giữ kêu cứu
please wait

No media source currently available

0:00 0:01:31 0:00

Ông Nguyễn Trần Thành Trí, người bị Hải quân Indonesia bắt vào tháng 7, cho biết những người làm công như ông, đi theo tàu với sự điều khiển của thuyền trưởng, thì không biết rõ vùng biển nào bị phía Indonesia cấm, hơn nữa trở ngại về ngôn ngữ cũng là một vấn đề.

“Rất là bất đồng ngôn ngữ. Chúng tôi là ngư dân đi làm thuê, đi theo tài công. Tài công chạy đến vùng biển nào thì chúng tôi không được biết. Vì tàu chúng tôi đi vào hải phận Indonesia nên bị Hải quân Indonesia bắt vào ngày 5/7. Tài công và tài cải (người đề máy tàu), những người xem định vị la bàn, bị xem là có tội và phải ra tòa, còn tụi em thì không có tội và được phép hồi hương. Không biết quy trình họ làm việc thế nào mà cứ hứa hẹn hoài, trong khi gia đình mỗi người gửi tiền qua đóng tới 8 triệu/ người.”

Một phần cơm của ngư dân Việt Nam bị tạm giam ở đảo Pontianak, Indonesia, ngày 8/11/2018. Trần Trí
Một phần cơm của ngư dân Việt Nam bị tạm giam ở đảo Pontianak, Indonesia, ngày 8/11/2018. Trần Trí

Trong bức thư gửi sứ quán Việt Nam tại Indonesia hôm 3/11, các ngư dân viết: “Chúng tôi thật sự rất hoang mang, hoang mang vì không biết lúc này chính phủ của chúng tôi có đang quan tâm đến chúng tôi hay không. Và tiêu đề “do dân vì dân” có thực hay không? Và những người được gọi là “đồng bào” liệu có đang nghĩ đến chúng tôi?”

Trong năm 2017, bốn ngư dân Việt Nam đã bị hải quân Indonesia bắn bị thương trong khi đang đánh cá ở đảo Natuna.

Trong chuyến thăm Hà Nội hồi tháng 9 năm nay, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết rằng nước ông và Việt Nam đã đồng ý hợp tác thêm nữa nhằm chống lại tình trạng đánh bắt cá trái phép của người Việt và cam kết sẽ trả tự do cho 155 ngư dân đang bị bắt giữ tại Indonesia.

Kể từ khi lên nhậm chức năm 2014, chính quyền của ông Widodo đã mạnh tay xử lý việc đánh bắt cá trái phép, phá hủy hàng trăm tàu cá nước ngoài, phần lớn từ Việt Nam, Philippines, Malaysia và Thái Lan.

VOA Express

XS
SM
MD
LG