Với một dân số gần 240 triệu người, Indonesia là quốc gia đông dân nhất trong số các nước Đông Nam Á. Nhưng đất đai mầu mỡ để trồng trọt tại đảo quốc này rất giới hạn nên những thiếu hụt về nông sản như gạo và đường là chuyện thường. Từ Cuộc Triển Lãm Quốc Gia về Thực Phẩm ở Jakarta Thông tín viên đài VOA, Sara Schonhardt, tường thuật về những nỗ lực của nước này trong vấn đề gia tăng an ninh lương thực
Sảnh đường chính của trung tâm hội nghị Jakarta được trưng bày rất nhiều loại gạo, mì sợi, và thịt viên, cũng như chuối và xoài đủ loại. Cuộc triển lãm mang tên “Feed The World,” công nhận trách nhiệm của Indonesia trong việc giúp các nước đang cố sức phấn đấu để sản xuất lương thực.
Nhưng ông Franciscus Welirang, Chủ tịch Ủy Ban An Ninh Lương Thực tại Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Indonesia, nói rằng, chính phủ cũng nhận thức được rằng trước hết phải giúp cho dân Indonesia.
Ông Welirang nói: “Thực phẩm là để cung cấp cho tất cả mọi người. Ý kiến căn bản là làm sao để nuôi sống nhân dân nước mình trước, nhưng chúng ta không phải chỉ sống một mình trên thế giới này, và chúng ta cũng phải tham gia với các nước khác, dựa trên sản phẩm có tính cạnh tranh tốt nhất của chúng ta.”
Phòng Thương Mại Indonesia tổ chức 2 ngày triển lãm nhắm vào 6 loại nông sản để xuất khẩu là trà, cà phê, cacao, cá ngừ, tôm và dầu cọ. Cơ quan này cũng làm việc để mở rộng việc sản xuất thịt bò và thịt gà.
Nhưng lúa gạo và mía là hai loại cây trồng chính của Indonesia.
Ông Welirang nói: “Chúng ta muốn dân chúng trong nước canh tác nhiều thứ khác nhau, nhưng gạo vẫn là thứ rất quan trọng. Chúng ta đã sản xuất đủ cho nhu cầu về gạo trong nước. Chúng ta hy vọng có thể tiếp tục đà này và nếu sản xuất dư thì có thể đem xuất khẩu.
Phòng Thương Mại muốn thấy sản xuất lương thực gia tăng qua việc phát triển hạ tầng cơ sở, cải thiện chính sách nông nghiệp, và yểm trợ tài chính cho chủ nhân các nông trại nhỏ. Ông Welirang nói rằng, điều đó cần có các khoản cho vay nhỏ và những ngân hàng phát triển nông nghiệp.
Ông giải thích: “Cần phải có một ngân hàng phát triển nông nghiệp bởi vì tài trợ cho nông nghiệp là chuyện hoàn toàn khác với tài trợ cho công nghệ, và những rủi ro của nông trại cũng khác, đó là vấn đề số một.”
Chính phủ đã thi hành việc áp dụng khoản trợ cấp phân bón để giảm chi phí nông trại cũng như cung cấp hạt giống để cải thiện mức thâu hoạch. Đối với các nông trại lớn hơn thì chính phủ cộng tác với các doanh nghiệp lớn trong lãnh vực canh tác.
Một hiệp định tự do mậu dịch cho Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á có nghĩa là Indonesia có thể gia tăng số nông sản xuất khẩu.
Nhưng khi nói tới thực phẩm thì vấn đề khẩu vị trong vùng có thể không giống nhau. Vì thế, theo ông Welirang tốt hơn là nên theo khẩu hiệu” Nuôi Indonesia trước rồi nuôi thế giới sau.”