Đường dẫn truy cập

Luật phỉ báng tại Indonesia gây quan ngại về tự do


Giám đốc tổ chức cổ võ cho nhân quyền Human Rights Watch nói nhiều công chức sử dụng luật này để buộc tội những người phê phán nhằm đánh lạc sự chú ý của quần chúng tới những hành vi đáng chê trách của họ
Giám đốc tổ chức cổ võ cho nhân quyền Human Rights Watch nói nhiều công chức sử dụng luật này để buộc tội những người phê phán nhằm đánh lạc sự chú ý của quần chúng tới những hành vi đáng chê trách của họ

Theo luật Indonesia, các giới chức chính phủ có thể buộc bất kỳ người nào tội phỉ báng, một hành vi có thể đưa họ vào tù. Các nhóm nhân quyền nói rằng luật này không bảo vệ những người đáng lý cần được bảo vệ, và những sự trừng phạt nặng nề hơn về sử dụng Internet đang dấy lên những quan ngại mới về hạn chế tự do báo chí.

Ông Usman Hamid, một nhà hoạt động nhân quyền nhìn không giống một tội phạm chút nào. Cả bà Prita Mulyasari, một bà nội trợ có 2 con, và bà Khoe Seng Seng, một thương gia có giọng nói nhỏ nhẹ cũng thế.

Ấy vậy mà 3 người này đã bị các giới chức Indonesia buộc tội phỉ báng chỉ vì những hành động mà các nhóm hoạt động nhân quyền nói lẽ ra hiến pháp Indonesia phải bảo vệ.

Bà Seng nói người dân trung bình Indonesia ít tiếp cận được với công lý. Bà đã bị tòa kết tội phỉ báng chỉ vì những lá thư bà viết cho một tờ báo lớn, tố cáo người chủ cho bà thuê cửa tiệm có hành vi gian lận. Bà nói tiếp:

“Tôi chẳng lừa dối ai, tôi chỉ báo cáo vụ việc của mình, vậy mà đã bị truy tố. Tôi muốn được chính quyền bảo vệ, nhưng điều đó chẳng xảy ra. Những người thấp cổ bé miệng trong xã hội như tôi vẫn không được hưởng dân chủ.”

Ông Gatot Dewa Broto, Phát ngôn viên bộ Thông Tin Liên Lạc không đồng ý. Theo ông, mọi người vẫn được quyền bày tỏ quan điểm của mình.

Indonesia hiện nay đã mở rộng quyền tự do bày tỏ bằng việc loại bỏ phần lớn những đạo luật có tính cách cấm đoán mà cựu Tổng thống Suharto dùng để bóp nghẹt những lời phê phán.

Có khoảng 200 tờ báo, mấy chục đài truyền hình và hàng trăm đài truyền thanh địa phương trên khắp nước.

Thế nhưng luật buộc tội phỉ báng vẫn được áp dụng, và điều này gây lo ngại cho bà Elaine Pearson, Giám đốc tổ chức Human Rights Watch. Bà nói nhiều công chức sử dụng luật này để buộc tội những người phê phán, để đánh lạc sự chú ý của quần chúng tới những hành vi đáng chê trách của các vị công chức này. Bà Peason nói:

“Như vậy lợi ích của kẻ có quyền lực, lợi ích của các chính trị gia được bảo vệ, và những người cáo giác họ bị truy tố đến nơi đến chốn, trong khi nguyên nhân tận gốc thì không ai thèm điều tra.”

Việc phổ biến những trang blog và những trang Facebook đặt ra một thách thức khác cho chính phủ Indonesia, một chính phủ luôn nói rằng luật phỉ báng là cần thiết để giữ hòa khí giữa các cộng đồng trong một nước có cả một lịch sử đầy những vụ đụng chạm tôn giáo và sắc tộc.

Hồi tháng 2, Bộ Thông Tin đã phác thảo một kế hoạch cho phép những nhà cung cấp dịch vụ Internet được chặn các trang mạng mà chính phủ cho là đe dọa đến trật tự công cộng.

Những người sử dụng Internet phản ứng kịch liệt, buộc bộ này phải bỏ việc duyệt xét.

Thế rồi xảy ra vụ của cô Prita, bị cầm tù trong lúc chờ được xét xử chỉ vì gửi email cho bạn bè chỉ trích cách làm ăn của một bệnh viện tư nhân mà cô được điều trị.

Vụ này gây phẫn nộ cho hàng vạn người thuộc một nhóm Facebook hậu thuẫn cho cô.

Phát ngôn viên Bộ Thông tin Dewa Broto nói rằng chính phủ không đồng ý quyết định của tòa phạt cô Prita hơn 20 ngàn đôla, vì điều này vi phạm quyền của cô có thể khiếu nại theo đạo luật bảo vệ người tiêu dùng.

Bà Christen Broecker thuộc tổ chức nhân quyền Human Rights Watch nói rằng việc kiểm duyệt trên Internet cho thấy chính phủ bối rối về quyền tự do bày tỏ và những vụ việc như của cô Prita.

Bà Broecker nói: “Tại Indonesia bây giờ ai cũng lên Facebook, ai cũng viết email, và không còn biết được loại email nào, cách viết nào trên Facebook có thể đưa mình vào tù nữa.”

Phát ngôn viên Dewa Broto của Bộ Thông tin phản biện rằng chính phủ chỉ muốn dân chúng sử dụng Internet một cách hợp lý, và chỉ hạn chế những trang dâm ô đồi trụy, hoặc các vấn đề nhạy cảm giữa các cộng đồng.

Ông nói, dù có ý kiến khác biệt, chính phủ không muốn hạn chế cơ hội của dân chúng bày tỏ quyền tự do ngôn luận.

Ông Dewa Broto nói thêm, luật chống phỉ báng xuất hiện trong nhiều nước, và so với Trung Quốc và Iran, thì dân Indonesia còn có quyền tự do sử dụng Internet nhiều hơn.

Nhưng bà Pearson của Human Rights Watch nói vấn đề là những đạo luật mơ hồ sau cùng lại bảo vệ công chức và chống lại dân thường. Nhiều người mắc tội phỉ báng đều do họ đã báo cáo những thông tin liên quan đến công việc của những viên chức chính phủ.

Ông Usman một nhà hoạt động nhân quyền bị buộc tội phỉ báng sau khi ông đặt vấn đề về một giới chức tình báo cấp cao được tha mặc dù có chứng cớ ông ta đã giết người. Ông nói:

“Tôi chỉ phản đối một án tòa, tôi chỉ bày tỏ ý kiến của mình mà không hề xúi giục ai bạo hành chống lại các quan tòa hoặc bất cứ ai. Tôi là thành viên thuộc một nhóm tìm hiểu sự kiện thực tế do Tổng thống thành lập, tôi là thành viên của một tổ chức phi chính phủ, cho nên đó là nhiệm vụ của tôi.”

Hiệu quả những đạo luật kết tội phỉ báng có hai mặt. Những người hoạt động nhân quyền theo dõi tổ chức chống tham nhũng Indonesia nói rằng họ ngăn chặn người ta chỉ trích chính phủ, và điều này giúp các viên chức tham ô tha hồ lạm quyền.

Ngoài ra, Liên Hiệp các ký giả độc lập nói rằng luật này buộc ký giả phải tự kiểm duyệt những tin tức liên quan đến các đề tài nhạy cảm.

Tuy nhiên, thương gia Seng vẫn không hề chùn bước. Bà vẫn tiếp tục tranh đấu bằng cách không trả thêm tiền thuê tiệm cho tới khi nhận được câu trả lời.

Và khi tiệm của bà bị cúp điện tuần trước, bà đã gửi nhiều tin nhắn thông báo cho các nhà hoạt động nhân quyền và các ký giả.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG