Đường dẫn truy cập

Ấn Độ xác định cuộc hội đàm với Trung Quốc


Ngoại trưởng Ấn Độ S.M.Krishna (trái) bắt tay Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì trước cuộc hội đàm
Ngoại trưởng Ấn Độ S.M.Krishna (trái) bắt tay Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì trước cuộc hội đàm

Ấn Độ cho biết sự hợp tác giữa Ấn Độ với Trung Quốc cần phải được “đào sâu và mở rộng.”Với các cuộc thảo luận ở cấp cao trong bối cảnh một Tây Tạng bất ổn và nhiều bất đồng ý kiến giữa hai siêu cường mới nổi này, chính phủ New Delhi đang đưa ra những bảo đảm là cuộc đối thoại của họ với Bắc Kinh sẽ cặn kẽ.

Hôm Thứ Năm, Bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ, ông S.M. Krishna kết thúc cuộc hội đàm với giới chức tương nhiệm của Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì, đang viếng thăm Ấn Độ, với lời kêu gọi xây dựng quan hệ hợp tác chiến lược của họ. Ông Krishna nói:

“Quan hệ hợp tác chiến lược đó cần phải được củng cố, mở rộng thêm và quan hệ hợp tác đó cần có thêm ý nghĩa.”

Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc không đưa ra nhận định công khai nào sau cuộc hội đàm này, như lề lối vẫn thường thấy.

Tuy nhiên, ông Krishna nói cuộc hội đàm này rất thấu đáo và không có đề tài nào bị bỏ qua:

“Tất cả những gì có thể cần nêu lên khi cuộc đối thoại giữa Ấn Độ và Trung Quốc diễn ra thì đã được đề cập đến và chúng tôi hiểu rõ lập trường của nhau.”

Ông Krishna nói những dữ liệu thâu thập được qua vệ tinh của Ấn Độ xác nhận là dường như Trung Quốc không có hành động gì để chuyển dòng của một con sông chung của hai nước để có thể gây nguy hại cho nguồn cung cấp nước của Ấn Độ trong tương lai.

Mối lo ngại về nguồn nước chỉ là một trong một danh sách những tranh chấp - mới và cũ - giữa hai nước láng giềng này.

Ấn Độ đã chống lại lập trường của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc bằng cách ủng hộ các biện pháp lên án những vi phạm nhân quyền tại Syria. Và trong nhiều thập niên, Ấn Độ đã để cho lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, và một chính phủ Tây Tạng được bầu chọn được cư trú và đặt bản doanh mà Bắc Kinh gọi là các phần tử “li khai.”

Vấn đề này đặc biệt nhạy cảm trong những tháng gần đây, khi các cuộc biểu tình phản đối và các vụ tự thiêu gia tăng tại khu vực Tây Tạng bị Trung Quốc kiểm soát.

Trung Quốc đã cảnh cáo Ấn Độ là nên lánh xa việc ký hợp đồng thăm dò dầu khí với các nước giáp ranh với Biển Nam Trung Quốc, nơi Trung Quốc nhận chủ quyền lãnh hải.

Trong nhiều thập niên, Bắc Kinh cũng đòi toàn bộ một bang của Ấn Độ - Arunachal Pradesh – tự đặt tên cho lãnh thổ này trên bản đồ là “Nam Tây Tạng.”

Cảnh sát đã giải tán một cuộc biểu tình nhỏ của những người Tây Tạng lưu vong tại nơi diễn ra cuộc hội đàm giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở thủ đô nước Ấn.

Ông Palden Sonam, chủ tịch tổ chức Nghị Hội Thanh Niên Tây Tạng địa phương, phàn nàn rằng tiếng nói của Tây Tạng không được đếm xỉa tới tại một hội nghị ngoại giao như vậy. Ông nói:

“Trung Quốc không có quyền chính đáng để quyết định quan hệ biên giới của Tây Tạng với Ấn Độ. Đây là biên giới giữa Tây Tạng và Ấn Độ không liên quan gì tới Trung Quốc.”

Trung Quốc đã đánh bại Ấn Độ trong một cuộc chiến tranh ngắn ngủi vì tranh chấp biên giới năm 1962, nhưng chuyện tái diễn một vụ xung đột võ trang giữa hai nước có phần chắc sẽ không xảy ra. Thương mại song phương đang nở rộ, với mục tiêu hai nước nhắm tới là kim ngạch mậu dịch sẽ tăng đến 100 tỉ đô la trong vòng ba năm.

Trong tháng này, Ấn Độ dự kiến mở một hội nghị thượng đỉnh của khối các quốc gia được gọi tắt là “BRICS” trong đó có Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Các quốc gia này sẽ thảo luận về những mối quan tâm hỗ tương trong tư cách là một số các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG