Đường dẫn truy cập

Tiến bộ đáng kể trong công tác xóa đói giảm nghèo tại nhiều nước


Chỉ số Phát triển con người toàn cầu cho thấy là chất lượng các dịch vụ y tế, giáo dục và mức lợi tức đã tăng 41% kể từ năm 1970, và tăng 18% tính từ năm 1990
Chỉ số Phát triển con người toàn cầu cho thấy là chất lượng các dịch vụ y tế, giáo dục và mức lợi tức đã tăng 41% kể từ năm 1970, và tăng 18% tính từ năm 1990

Thưa quý thính giả, Phúc trình về Phát triển Con người của Liên Hiệp Quốc năm nay cho thấy là những nước nghèo đã có những tiến bộ vượt bậc trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và những tiêu chuẩn căn bản về đời sống trong vòng 40 năm qua. Theo Thông Tín Viên Lisa Schlein tường trình cho Đài VOA từ Geneve, thì trong những quốc gia đứng đầu trong các lĩnh vực vừa nêu, có Na Uy, Australia, New Zealand và Hoa Kỳ. Trong khi đó, các quốc gia như Niger, Cộng hòa Dân chủ Congo và Zimbabwe đứng cuối bảng.

Báo cáo Phát triển Con người (PTCN) thứ 20 của Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên thu thập các dữ kiện của 135 quốc gia, bao gồm hơn 90% dân số thế giới. Phúc trình này dùng thành tích y tế, giáo dục và lợi tức để đo lường thành quả của một quốc gia.

Cuộc phân tích đưa ra một cái nhìn tổng quát và toàn diện về những xu hướng chính và các mô hình trong phát triển con người từ những năm 1970 đến năm 2010.

Trong thời gian này, Phúc trình Phát triển Con Người ghi nhận những tiến bộ đáng kể và sâu rộng. Nhiều nước thuộc dạng nghèo nhất đã đạt được những thành quả to lớn nhất.

Bà Emma Samman, nhà phân tách nghiên cứu có nhiều kinh nghiệm nói rằng Chỉ số Phát triển con người toàn cầu cho thấy là chất lượng các dịch vụ y tế, giáo dục và mức lợi tức đã tăng 41% kể từ năm 1970, và tăng 18% tính từ năm 1990.

Bà Samman nói rằng ngày nay thế giới là nơi để có cuộc sống tốt đẹp hơn, so với cách đây 40 hay 20 năm:

“Chúng ta có thể nói mà không sợ sai rằng con người hôm nay khỏe mạnh hơn, được giáo dục tốt hơn và sung túc hơn trước đây. Ngày nay tuổi thọ trung bình đã tăng từ 59 tuổi lên đến 70 tuổi. Tỉ lệ ghi danh theo học các trường đã tăng từ 55% lên 70%, và lợi tức đầu người đã tăng gấp đôi lên đến hơn 10.000 đô la.”

Trong số 135 quốc gia, Oman đã cải thiện nhiều nhất dựa trên Chỉ số Phát triển con người trong 40 năm qua. Những quốc gia khác có tên trên danh sách 10 quốc gia có nhiều thay đổi nhất gồm có: Trung Quốc, Nepal, Indonesia, Ả Rập Saudi, Lào, Tunisia, Nam Triều Tiên, Algeria và Morocco.

Phúc trình Phát triển Con Người ghi nhận rằng không có mối liên hệ tự động nào giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ về phát triển con người.

Bà Samman nói Trung Quốc là nước duy nhất nằm trong danh sách 10 quốc gia hàng đầu chỉ dựa duy nhất trên thành quả kinh tế:

“Lợi tức đầu người tại Trung Quốc tăng 2.000% trong thời gian này, đây quả là một sự kiện phi thường. Tuy nhiên, nếu nhìn vào những tiến bộ về y tế và giáo dục tại nước này thì ta thấy không có gì đáng kể lắm. Nếu nhìn vào bảng xếp hạng về Chỉ số Phát triển con người mà không tính đến lợi tức, thì Trung Quốc tụt hạng đáng kể, xuống vị thứ 77.”

Ngược lại, phúc trình của LHQ ghi nhận nhóm 10 quốc gia đứng đầu kế tiếp là những quốc gia đạt được nhiều tiến bộ nhất trong 40 năm qua.

Trong số đó, có một số nước có lợi tức bình quân thấp nhưng lại là những quốc gia có Chỉ số Phát triển con người cao. Thông thường các nước này không được mô tả như những câu chuyện thành công.

Trong số các quốc gia đó phải kể đến Ethiopia, Kampuchia và Benin. Đây là những quốc gia đạt được nhiều tiến bộ nhất trong các lĩnh vực giáo dục và y tế công.

Phúc trình PTCN của Liên hiệp quốc đơn cử vùng Đông Á, đứng đầu là Trung Quốc và Indonesia, là khu vực nơi Chỉ số Phát triển con người tăng nhanh nhất, tính từ năm 1970.
Các nước Ả Rập cũng được liệt kê trên danh sách các nước đạt được những tiến bộ đáng kể.

Tuy nhiên, phúc trình ghi nhận nhiều quốc gia thuộc Tiểu vùng Sahara và cựu Liên bang Xô Viết đã bị bỏ lại phía sau vì hậu quả của bệnh AIDS, vì chiến tranh, các biến động kinh tế và các yếu tố khác.

Phúc trình PTCN cho biết tuổi thọ giảm sút trong vòng 4 thập niên qua tại Belarus, Ukraina và Nga và 6 quốc gia thuộc Tiểu vùng Sahara, gồm Cộng hòa Dân chủ Congo, Lesotho, Nam Phi, Swaziland, Zambia và Zimbabwe.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG