Đường dẫn truy cập

HRW kêu gọi Liên hiệp Châu Âu thúc đẩy nhân quyền tại Việt Nam


Từ trái: Blogger Điếu Cày, blogger Anhbasaigon, và bà Bùi Thị Minh Hằng, nằm trong số những người bị giam giữ dài hạn mà không thông qua xét xử
Từ trái: Blogger Điếu Cày, blogger Anhbasaigon, và bà Bùi Thị Minh Hằng, nằm trong số những người bị giam giữ dài hạn mà không thông qua xét xử

Trong cuộc đối thoại tại Hà Nội ngày 12/1, Liên hiệp Châu Âu (EU) nên gây sức ép buộc chính quyền Hà Nội phải phóng thích tất cả tù nhân chính trị và có những biện pháp cải thiện nhân quyền cụ thể về tự do ngôn luận, tự do nhóm họp, tự do lập hội, và tự tôn giáo. Đó là khuyến nghị của tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế Human Rights Watch vừa đưa ra hôm nay 11/1.

Bản khuyến nghị dày 13 trang của tổ chức này nêu rõ EU cần phải thúc đẩy chính quyền Việt Nam tiến bộ trong 4 lĩnh vực chủ chốt.

Thứ nhất là tôn trọng quyền tự do bày tỏ ý kiến và lập hội và phải trả tự do cho những người bất đồng chính kiến bị giam cầm vì đã thực thi các nhân quyền vừa kể.

Thứ nhì, phải tôn trọng quyền tự do thực hành tín ngưỡng.

Thứ ba, phải xử lý tình trạng công an và cán bộ trại giam ngược đãi người bị giam.

Và thứ tư, phải chấm dứt việc cưỡng ép lao động trong các trung tâm cai nghiện, trại cải tạo, cũng như các trung tâm giam giữ lao động tình dục và người vô gia cư.

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc bộ phận Châu Á trong tổ chức Human Rights Watch, lên án rằng trong khi giới ngoại giao Việt Nam quảng cáo với các đối tác nước ngoài rằng Việt Nam tôn trọng luật lệ, thì hệ thống tư pháp Việt Nam lại bỏ tù những người phản đối ôn hòa. Thực tế này, vẫn theo ông Robertson, đi ngược lại những cam kết rỗng tuếch của chính quyền Hà Nội.

Phát biểu với VOA Việt Ngữ, ông Robetrson nhấn mạnh:

“Liên hiệp Châu Âu cần phải thúc đẩy thật mạnh về các vấn đề nhân quyền tại Việt Nam và duy trì sức ép này. Chúng tôi kêu gọi EU trong cuộc đối thoại nhân quyền ngày 12/1 năm nay phải đảm bảo nêu rõ các vi phạm nhân quyền của Hà Nội và yêu cầu Việt Nam phải tuân thủ các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế và công ước nhân quyền mà chính họ đã tham gia ký kết nếu muốn nhận được các điều khoản và thỏa thuận về thương mại và viện trợ quốc tế.”

Theo thống kê của Human Rights Watch, trong năm qua, có ít nhất 33 nhà hoạt động nhân quyền và blogger bị chính quyền Hà Nội kết án vì đã bày tỏ quan điểm chính trị và niềm tin tôn giáo của mình, và hiện ít nhất 27 nhà hoạt động khác đang bị giam chờ điều tra xét xử.

Trong số những người bị giam giữ kéo dài mà không thông qua xét xử được Human Rights Watch đề cập tới có trường hợp của blogger Điếu Cày, blogger Anhbasaigon, và bà Bùi Thị Minh Hằng, người bị đưa vào cơ sở giáo dục phục hồi nhân phẩm sau khi tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc thời gian gần đây.

Nguồn: VOA's Interview, HRW

VOA Express

XS
SM
MD
LG