Đường dẫn truy cập

‘Hãy trả tự do cho tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức’


Từ trái sang phải: các nhà hoạt động Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long và Lê Công Định tại phiên tòa sơ thẩm ở thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20/1/2010.
Từ trái sang phải: các nhà hoạt động Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long và Lê Công Định tại phiên tòa sơ thẩm ở thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20/1/2010.

Ngày 24 tháng 5 năm vừa qua đánh dấu 6 năm từ khi nhà đấu tranh cho dân chủ Trần Huỳnh Duy Thức bị tống giam sau khi bị tuyên án bản án tù 16 năm, theo điều 88 và 79 của Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Bản án khắc nghiệt này đã được tuyên chỉ vì ông Thức đã thực thi quyền tự do biểu đạt của mình một cách ôn hòa, theo những người bênh vực ông.

Tổ chức Freedom Now tại Hoa Kỳ là một trong những tổ chức và cá nhân đã ký vào bản kiến nghị yêu cầu Hà Nội lập tức phóng thích tù nhân lương tâm này. Luật sư Patrick Griffiths:

“Dù cho chính quyền Việt Nam tin là truy tố ông Trần Huỳnh Duy Thức là một việc chính đáng đi nữa, thì đã 6 năm rồi, lý do để trả tự do cho ông đơn giản vì chủ yếu việc bỏ tù ông có liên hệ trực tiếp tới hoạt động của ông cổ vũ cho nhân quyền và tự do dân chủ tại Việt Nam. Lẽ ra ông không nên bị bỏ tù mới phải.”

Ngày 20 tháng 1 năm 2010, trong một phiên tòa diễn ra trong một ngày, ba người cùng bị truy tố với ông trong vụ án, gồm luật sư Lê Công Định, Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung và ông Lê Thăng Long, bị cáo buộc tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 Bộ luật hình sự. Ông Thức nhận án 16 năm tù kèm 5 năm quản chế, trong khi 3 người lần lượt nhận các mức án 5 năm, 7 năm và 5 năm tù kèm 3 năm quản chế.

Luật sư Griffiths bày tỏ quan tâm về các điều khoản của Bộ Luật Hình sự Việt Nam được sử dụng để trấn áp giới bất đồng. Ông nói:

“Các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Ủy ban Điều tra về Bắt giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc đã nhiều lần chỉ trích các quy định về an ninh quốc gia có trong Luật Hình sự Việt Nam, đặc biệt các điều khoản 79 và 88 của Bộ Luật Hình sự, và những điều khoản khác được dùng để hình sự hoá những hoạt động bị coi là đe doạ tới an ninh, nhưng lại không bao gồm bất cứ biện pháp nào để bảo vệ những quyền được thể hiện, được tự do bày tỏ chính kiến, hoặc những lời chỉ trích chính quyền ôn hoà. Các điều khoản vừa nêu đã bị cộng đồng quốc tế bác bỏ, và cho là quá bao quát, quá mơ hồ.”

Nhà báo Nguyễn Xuân Nghĩa, người được phóng thích sau khi hoàn tất bản án 6 năm tù, nhận định về trường hợp ông Trần Huỳnh Duy Thức như sau:

“Tất cả chúng tôi đều phát biểu quan điểm chính trị, đòi hỏi phải cải tổ hệ thống chính trị trong đó có yêu cầu phải có đa đảng đa nguyên, thì tất cả mọi người hầu như đều bị quy vào tội tuyên truyền chống nhà nước (điều 88 Bộ Luật Hình sự), nhưng riêng anh Trần Huỳnh Duy Thức bị họ quy vào cái tội lật đổ chính quyền nhân dân (điều 79 Bộ Luật Hình sự) bởi vì tinh thần của anh trong những cuộc điều tra của cảnh sát cũng như trong các phiên toà thì anh rất là vững. Và vào cái thời điểm ấy thì sức mạnh của quốc tế cũng như cái áp lực nó không đủ lớn… Anh ấy sống tận Sàigon, còn tôi thì ở ngoài Bắc mà tôi thì cũng 6 năm… Trong khi ra tù tôi mới biết, và có hiểu về tất cả những vấn đề của anh ấy. Tôi nói thật với chị là – mặc dù thông tin về anh ấy rất ít, nhưng tôi rất cảm phục tinh thần của anh ấy.”

Luật sư Griffiths nói việc ông Trần Huỳnh Duy Thức, một doanh nhân và một blogger bị cầm tù chỉ vì thực thi quyền công dân là vô cùng đáng quan tâm. Ông nói ông có cùng một thông điệp gửi đến cá nhân ông Trần Huỳnh Duy Thức và các tù nhân lương tâm đang bị giam cầm, và cho chính quyền Việt Nam. Luật sư Griffiths nói:

“Thông điệp chủ yếu của chúng tôi gửi tới các tù nhân lương tâm đang bị giam cầm, cũng như cũng như cho nhà cầm quyền Việt Nam, giống nhau về nhiều khía cạnh. Đó là truy tố các tù nhân lương tâm là không chính đáng dựa trên luật pháp quốc tế. Những cá nhân này bị bỏ tù chỉ vì họ thực thi các quyền làm người căn bản mà mọi công dân của mọi quốc gia lẽ ra được hưởng. Chắc chắn là Freedom Now, và các tổ chức bạn sẽ tiếp tục làm việc trên các hồ sơ này và chú ý tới các trường hợp đó, cho tới khi tất cả các tù nhân lương tâm được trả tự do. Chúng tôi không có ý định bỏ dở nhiệm vụ của mình, là bênh vực cho các quyền của tù nhân lương tâm.”

Cha của Trần Huỳnh Duy Thức, ông Trần Văn Huỳnh, công khai ủng hộ lập trường của con, ông Huỳnh kêu gọi công lý, và cam kết sẽ tranh đấu tới cùng cho con ông.

VOA Express

XS
SM
MD
LG