Đường dẫn truy cập

Hội nghị TƯ 8 xem xét vấn đề nhân sự


Ban Tuyên giáo Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức họp báo về Hội nghị TƯ 8, 28/9/2018, tại Hà Nội. Photo QDND.
Ban Tuyên giáo Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức họp báo về Hội nghị TƯ 8, 28/9/2018, tại Hà Nội. Photo QDND.

Hội nghị Trung ương 8 của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ khai mạc vào thứ Ba 2/10, trong đó sẽ xem xét vấn đề nhân sự chuẩn bị cho Đại hội Đảng XIII vào năm 2020.

Tại cuộc họp báo hôm 28/9, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Trường Giang cho biết Hội nghị TƯ 8 kéo dài 5 ngày có những nội dung liên quan đến việc chuẩn bị Đại hội Đảng 13.

Trong bài báo có tựa ‘Trung ương sẽ xem xét nhân sự Chủ tịch nước,’ trang VietnamNet trích lời ông Lê Quang Vĩnh, Phó Chánh văn phòng TƯ Đảng cho biết chắc chắn Trung ương sẽ xem xét việc giới thiệu nhân sự chủ tịch nước để Quốc hội bầu “nhưng có xem xét tại kỳ họp TƯ 8 hay không sẽ thông báo sau.”

Ông Vĩnh nói Bộ Chính trị đã phân công bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước, đảm nhiệm Quyền Chủ tịch nước, sau khi ông Trần Đại Quang qua đời vì bệnh hiểm nghèo hôm 21/9. Bà Thịnh “là người đại diện cho nhà nước cả về đối nội và đối ngoại,” ông Vĩnh nói.

Ông Vĩnh nhấn mạnh: “Việc giới thiệu nhân sự chủ tịch nước để Quốc hội bầu là 1 việc hết sức hệ trọng của quốc gia nên phải được chuẩn bị một cách hết sức chu đáo, kỹ lưỡng theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước.”

Hôm 26/9, Giáo sư Carl Thayer từ Australia cho VOA biết rằng “hiện có các đồn đoán về khả năng Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch sẽ trở thành chủ tịch nước vào cuối năm nay.”

Giáo sư Carl Thayer nói thêm rằng, “hai ứng viên tiềm năng khác” là ông Nguyễn Thiện Nhân, 65 tuổi, Bí thư Thành ủy TP. HCM và bà Tòng Thị Phóng, 64 tuổi, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Trong khi đó, một số chuyên gia khác nhận định rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, 74 tuổi, có “nhiều khả năng sẽ kiêm nhiệm cả chức chủ tịch nước.”

Nhiều ý kiến cho rằng việc ông Trần Đại Quang từ trần cũng là thời điểm thích hợp để Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể “hiện thực hóa” chủ trương của một số người trong đảng về việc “nhất thể hóa” hai chức danh tổng bí thư đảng và chủ tịch nước.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak ở Singapore, nói với VOA rằng ông không nghĩ việc nhất thể hóa sẽ sớm diễn ra.

Tiến sĩ Hiệp phân tích rằng cản trở đầu tiên là tuổi tác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vì nếu ông Trọng nắm cả hai chức vụ trong thời gian khá ngắn từ nay cho đến Đại hội XIII vào năm 2020 thì sẽ không bảo đảm tính kế thừa.

Thực tế nền chính trị Việt Nam, nơi chỉ có Đảng Cộng sản nắm quyền lãnh đạo, cho thấy người giữ chức vụ chủ tịch nước trong nhiều nhiệm kỳ gần đây thường là một ủy viên Bộ Chính trị, nhóm 19 quan chức có quyền quyết định lớn nhất trong đảng.

Việc bầu chọn chủ tịch nước, cũng như các vị trí quan trọng khác trong chính quyền, diễn ra trong một hội nghị trung ương của đảng, trước khi được phê chuẩn tại quốc hội cho đủ thủ tục theo hiến pháp.

Quyền Chủ tịch nước, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, hiện không phải là ủy viên Bộ Chính trị.

Ông Thayer chia sẻ rằng Bộ Chính trị “đã lập kế hoạch chọn người kế nhiệm một cách có trật tự.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG