Đường dẫn truy cập

Hội nghị thượng đỉnh hạt nhân tập trung vào Bắc Triều Tiên, IS


Binh lính Bỉ đứng bảo vệ bên cạnh một trong những đài tưởng niệm nạn nhân của các cuộc tấn công Brussels gần đây tại Place de la Bourse, Brussels, ngày 27/3/2016.
Binh lính Bỉ đứng bảo vệ bên cạnh một trong những đài tưởng niệm nạn nhân của các cuộc tấn công Brussels gần đây tại Place de la Bourse, Brussels, ngày 27/3/2016.

Tổng thống Mỹ Barack Obama khai mạc hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân thứ tư và cũng là cuối cùng của ông ở Washington vào ngày thứ Năm, thừa nhận rằng thế giới vẫn bị đe dọa bởi việc Bắc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân và khả năng nhóm chủ chiến Nhà nước Hồi giáo có thể kích hoạt bom phóng xạ.

Trước hội nghị thượng đỉnh, ông Obama đã hội kiến Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Tòa Bạch Ốc để thảo luận về mối đe dọa Bắc Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân hồi tháng 1 và vụ phóng phi đạn tầm xa vào tháng 2 của Bình Nhưỡng.

"Chúng tôi hiệp nhất trong những nỗ lực của mình ngăn chặn và phòng vệ trước những hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên," ông Obama cho biết sau cuộc hội đàm.

Bình Nhưỡng cũng là một trong những tiêu điểm thảo luận khi ông Obama họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau đó.

"Chúng tôi muốn tăng cường giao tiếp và phối hợp về vấn đề hạt nhân Triều Tiên và những vấn đề khu vực và toàn cầu khác," ông Tập cho biết vào đầu cuộc hội đàm.

Washington xem Bắc Kinh, đồng minh của Bình Nhưỡng, đóng vai trò trọng yếu trong việc thi hành những chế tài của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Triều Tiên về việc phát triển vũ khí của nước này.

Sau đó, bên lề hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống sẽ hội đàm riêng với Tổng thống Pháp François Hollande và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong một bài viết nêu ý kiến trên báo The Washington Post, ông Obama nói các cường quốc sẽ bàn về những mối đe dọa từ những nhóm khủng bố như Nhà nước Hồi giáo.

"Chúng tôi sẽ cùng những đồng minh và đối tác của mình rà soát những nỗ lực chống khủng bố, để ngăn chặn những mạng lưới nguy hiểm nhất thế giới thủ đắc những vũ khí nguy hiểm nhất thế giới," ông Obama viết.

Mỹ và các cường quốc thế giới khác có thể đang nhận thấy tính cấp bách của việc giữ cho những vật liệu và địa điểm hạt nhân khỏi lọt vào tay của những kẻ khủng bố, sau những vụ tấn công vào ngày 22 tháng 3 ở Brussels.

Tin tức cho hay hai anh em liên quan đến những vụ tấn công này có dính líu trong âm mưu lấy thông tin về cơ sở hạt nhân của Bỉ.

Các nhà lãnh đạo thế giới cũng lo ngại về an ninh của những vật liệu và cơ sở hạt nhân ở những nước có vũ khí hạt nhân như Pakistan, nơi mà vụ tấn công khủng bố ở thành phố Lahore hôm Chủ nhật Phục sinh giết chết hơn 70 người.

Những nguyên thủ và những đoàn đại biểu từ 50 quốc gia đang tham dự hội nghị thượng đỉnh. Nhiều người trong số họ sẽ tham dự bữa tối làm việc tối thứ Năm do Tổng thống Obama và Ngoại trưởng John Kerry tổ chức.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin, người có mối quan hệ không suôn sẻ với ông Obama kể từ khi Moscow thôn tính bán đảo Crimea của Ukraine hai năm trước, sẽ không tham dự.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga bỏ qua hội nghị thượng đỉnh này vì "thiếu sự hợp tác lẫn nhau" trong việc định ra chương trình nghị sự.

Tuy nhiên, ông Obama nói rằng Moscow và Washington, chiếm 90% các loại vũ khí hạt nhân của thế giới, "nên thương thuyết để giảm kho vũ khí của chúng ta hơn nữa."

Ông cho biết "kho vũ khí hạt nhân to lớn thời Chiến tranh Lạnh của hai nước không còn mấy thích hợp với những mối đe dọa của ngày nay."

VOA Express

XS
SM
MD
LG