Đường dẫn truy cập

Hội nghị ASEAN: Hai viễn kiến đối nghịch cho Á Châu-Thái Bình Dương


Lãnh đạo ASEAN sau khi chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore, ngày14/11/2018.(AP Photo/Bullit Marquez)
Lãnh đạo ASEAN sau khi chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore, ngày14/11/2018.(AP Photo/Bullit Marquez)

Hoa Kỳ và Trung Quốc hôm thứ Năm đưa ra những viễn kiến đối nghịch nhau cho khu vực Á Châu-Thái Bình Dương tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN, tổ chức khu vực quy tụ các nước mà nền kinh tế và các lợi ích chiến lược luôn gắn bó với cả hai cường quốc này.

Ông Pence khẳng định cam kết "kiên định và bền vững" của Hoa Kỳ đối với khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương khi ông gặp lãnh đạo các nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN thường niên ở Singapore.

Phó TT Mỹ Mike Pence phát biểu tại thượng đỉnh Mỹ-ASEAN-ở Singapore ngày 15/11/2018. REUTERS/Edgar Su
Phó TT Mỹ Mike Pence phát biểu tại thượng đỉnh Mỹ-ASEAN-ở Singapore ngày 15/11/2018. REUTERS/Edgar Su

​Báo Straight Times của Singapore dẫn lời Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố không có chỗ cho "các đế chế hay mưu đồ xâm lược" trong khu vực, một phát biểu ám chỉ Trung Quốc.

Tạp chí Time cũng dẫn lời ông Pence gián tiếp chỉ trích Trung Quốc ngày càng mở rộng ảnh hưởng trong khu vực và liên tục quân sự hóa Biển Đông. Ông Pence nói:

“Tầm nhìn của chúng tôi đối với vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương không loại trừ bất kỳ nước nào. Tầm nhìn đó chỉ đòi hỏi mọi quốc gia phải đối xử với nước láng giềng của mình bằng sự tôn trọng, tôn trọng chủ quyền của các quốc gia cũng như các quy tắc về trật tự quốc tế.”

Ông Pence đại diện cho Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị ASEAN cũng như tại một hội nghị thượng đỉnh ở Papua New Guinea vào cuối tuần này.

Trọng tâm của các hội nghị ASEAN là tăng cường thương mại và an ninh trong khu vực bao trùm hơn 630 triệu người.

Về phần Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường trong thời gian ở Singapore, đã tìm cách trấn an các nước láng giềng về tầm ảnh hưởng rộng lớn hơn của nước ông trong khu vực, cả về kinh tế lẫn quân sự,.

Thủ Tướng TQ Lý Khắc Cường chụp ảnh lưu niệm với các lãnh đạo ASEAN tại hội nghị Trung Quốc-ASEAN ở Singapore ngày 14/11/2018.
Thủ Tướng TQ Lý Khắc Cường chụp ảnh lưu niệm với các lãnh đạo ASEAN tại hội nghị Trung Quốc-ASEAN ở Singapore ngày 14/11/2018.

Trong một cuộc họp riêng với các lãnh đạo ASEAN, ông Lý kêu gọi họ hãy tiếp tay với ông để trấn an các thị trường quốc tế đang bị tác động bởi các chính sách thương mại của Mỹ, áp thuế lên hàng hóa do Trung Quốc sản xuất trị giá hàng tỷ đô la.

Các nước Đông Nam Á và các nước khác trong khu vực chia sẻ mối lo ngại của Bắc Kinh về những hành động của chính phủ Tổng thống Trump, gạt sang một bên các chế độ thương mại đa phương và hệ thống thương mại toàn cầu đã giúp cho các nước này hiện đại hóa và xây dựng nền kinh tế thịnh vượng của họ trong thời gian qua. Nhiều nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự cần thiết phải chống lại chủ nghĩa bảo hộ, đồng thời, bảo vệ các quy tắc đã giúp điều hành nền thương mại toàn cầu.

Theo ông Lý, khu vực cần có hành động cụ thể để duy trì chế độ thương mại tự do dựa trên luật pháp và đánh đi một thông điệp tích cực đến thị trường để cung cấp những điều kiện ổn định, có thể đoán trước và dựa trên pháp quyền.

Quản lý xung đột ở Biển Đông là một mối quan tâm đã có từ lâu. Trung Quốc đang đối đầu với các nước láng giềng nhỏ hơn trong các vụ tranh chấp biển đảo trên các rạn san hô và bãi cạn nằm trong vùng biển thiết yếu cho thương mại toàn cầu, phong phú hải sản, và có tiềm năng dầu khí lớn.

Biển Đông là một điểm nóng có nguy cơ bùng nổ và là mối quan ngại lớn đối với Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác phụ thuộc vào quyền tự do hàng hải trên tuyến đường thủy huyết mạch này.

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamed nói:

“Tất cả chúng ta đều đồng ý về những cách thức để không làm tăng căng thẳng ở Biển Đông. Đó là không đưa tàu chiến vào, và cho phép tự do hàng hải”.

“Tất cả chúng ta đều đồng ý về những cách thức để không làm tăng căng thẳng ở Biển Đông. Đó là không đưa tàu chiến vào, và cho phép tự do hàng hải”.
Thủ Tướng Malaysia Mahathir Mohamed

Được hỏi về phản ứng của Hoa Kỳ, nước đã cam kết bảo vệ các đồng minh trong khu vực thông qua hiệp ước, ông Mahathir nói “Ông Pence nói năng có vẻ hợp lý và ông ấy nói rằng Tổng thống Trump rất quan tâm tới tình hình trong khu vực.”

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người đã đấu dịu trước những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại các đảo mà Manila cũng tuyên bố thuộc chủ quyền của mình, nói điều thiết yếu là các nước liên quan phải hoàn thành một " bộ quy tắc ứng xử" để giúp ngăn chặn những sự hiểu lầm có thể dẫn tới xung đột.

“Trung Quốc đã hiện diện ở đó. Đó là một thực tế,” ông Duterte nói với các nhà báo. “Các hoạt động quân sự tại đây sẽ khiêu khích phản ứng của Trung Quốc. Tôi không màng chuyện mọi người phát động chiến tranh với nhau, nhưng vấn đề nằm ở chỗ Philippines ở kế cận các hòn đảo đó. Nếu có nổ súng thì đất nước tôi sẽ chịu khổ đầu tiên. ”

Các cuộc họp hôm thứ Năm diễn ra tiếp theo sau một loạt cuộc gặp gỡ song phương và các cuộc thảo luận về một số vấn đề khác như vấn đề môi trường, cơ chế đối phó với thiên tai và cuộc khủng hoảng người Rohingya ở Myanmar. Hàng trăm ngàn người Hồi giáo Rohingya đã chạy sang Bangladesh lánh nạn để thoát bạo lực ở Myanmar. Hơn 700.000 người đã trốn khỏi bang Rakhine ở miền tây Myanmar để thoát những vụ giết chóc và cảnh nhà cửa bị phá hủy, khiến thế giới lên án Myanmar về tội diệt chủng.

VOA Express

XS
SM
MD
LG