Đường dẫn truy cập

Hỏi đáp Y học: nguy cơ nhiễm HIV qua truyền máu


Hiến máu (ảnh minh họa).
Hiến máu (ảnh minh họa).

Trong chương trình hỏi đáp y học kỳ này, Bác Sĩ Hồ Văn Hiền trả lời thắc mắc của một thính giả ở Cần Thơ, hỏi về nguy cơ nhiễm HIV qua việc truyền máu

Một thính giả ở Cần Thơ, không muốn nêu tên, email câu hỏi như sau:

“Kính chào bác sĩ,

Xin bác sĩ giải đáp về nguy cơ nhiễm HIV qua việc truyền máu.

Công tác tuyên truyền phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS đã giúp nhiều người hiểu được rằng virút HIV lây truyền qua đường tình dục và máu, trong đó có việc sử dụng lại kim tiêm đã được người có mang HIV sử dụng trước đó, mà thường xảy ra trong những trường hợp hút chích ma túy.

Thế còn trong trường hợp những người bị thương, mất máu, được truyền máu, thì nguy cơ lây nhiễm HIV có trong máu để truyền cho bệnh nhân có hay không?

Máu được truyền cho người mất máu được kiểm tra, xử lý, bảo quản thế nào để bảo đảm là không lây nhiễm HIV và các bệnh truyền nhiễm qua máu khác.

Tại một số bệnh viện ở Việt Nam có những người bán máu để lấy tiền, mà nhiều người bán máu đó lại là những người hút chích ma túy, cần tiền để tiếp tục hút chích ma túy, và tất nhiên trong số đó có nhiều người đang mang HIV trong máu của họ khi bán. Máu đó có được “tiệt trùng HIV” trước khi truyền cho bệnh nhân hay không?
Ở các nước tiên tiến, cách kiểm tra, “diệt trùng” và bảo quản máu cho hiến như thế nào?

Cám ơn bác sĩ.”


Chúng tôi đã chuyển thắc mắc cho bác sĩ Hồ Văn Hiền, và sau đây là phần giải đáp của bác sĩ Hiền:

please wait

No media source currently available

0:00 0:16:58 0:00
Tải xuống
(1) Đối với các yếu tố gây nhiễm như HIV, siêu vi gan B (HBV), siêu vi gan C ( HCV), có một giai đoạn vi khuẩn nhiễm vào máu (infectious blood phase) của người bệnh, thì tất nhiên người được truyền máu của người kia đều có cơ nguy bị nhiễm từ truyền máu của người đó.

Đối với HIV, siêu vi gan B (HBV) và C (HCV), nếu truyền máu có nhiễm siêu vi cho một người không bệnh,người nhận máu sẽ bị nhiễm các virus kia trong hết 90% trường hợp.

Tất nhiên,viện truyền máu, ngân hàng máu có những biện pháp để truy tầm những người nhiễm HIV và loại những người này, không dùng máu của họ để truyền cho người khác.Tuy nhiên những biện pháp này không phải hữu hiệu 100%, và thất bại trong một số trường hợp.

Một bệnh nhân bị nhiễm siêu vi HIV, HBV, HCV, ví dụ do dùng một kim chích bị dơ, có chứa các siêu vi này. Siêu vi sẽ vào máu người đó và có một khoảng thời gian gọi là "giai đoạn cửa sổ" (window period) trong lúc đó,cơ thể người đó chưa sản xuất kịp được những kháng thể chống lại các siêu vi đó. Những phương tiện screening test của chúng ta hiện nay phần lớn căn cứ trên sự phát hiện các kháng thể này: ví dụ nếu thử máu thấy có kháng thể chống HIV, thì chúng ta biết là người đó nhiễm HIV. Nếu screen test không phát hiện được kháng thể chống HIV trong máu người bệnh thì có 2 khả năng khác nhau:

1) Hoặc người bệnh không, và chưa bao giờ nhiễm HIV

2) Hoặc virus đang nhiễm cơ thể người bệnh, nhưng quá sớm để chúng ta phát hiện virus; người bệnh đang ở trong "window period", trước khi các kháng thể chống HIV có thể được tìm thấy.

Đối với bệnh HIV, thời gian "cửa sổ" dài chừng 22 ngày, đối với HCV, thời gian cửa sổ chừng 70 ngày.

Có những biện pháp cố gắng thu hẹp cửa sổ này lại. Ví dụ như đối với HIV và HCV, người ta dùng thử nghiệm gọi là "phóng đại acid nhân" (Nucleic Acid Amplification, NAA) từ năm 1999 ở Mỹ cho mọi người hiến máu hoặc huyết thanh (blood and plasma donation), và NAA cho HBV cũng đang bắt đầu áp dụng. NAA là một phương pháp truy tầm các acid nhân (nucleic acid, vd RNA) của virus hay vi khuẩn, và từ đó chứng minh sự hiện diện của virus hay vi khuẩn trong máu người bệnh (ví dụ PCR=Polymerase Chain Reaction).Thời gian cửa sổ, do đó, có thể giảm xuống còn 13-15 ngày cho HIV và 10-29 ngày cho HCV.

(2) Ở Mỹ, thống kê cho thấy, cho mỗi bịch máu truyền, cơ nguy nhiễm trùng là (per unit risk of contamination) là:

HIV là 1 trong 675.000 ca
HCV 1 trong 100.000 ca
HBV 1 trong 63.000- 500.000 ca.

Đe doạ dễ gặp nhất không phải là nhiễm trùng mà phản ứng truyền máu (blood transfusion reaction, 1/14000), do máu người cho không khớp hoàn toàn với máu người nhận, kể cả do nhầm lẫn.

Đấy là nói về Mỹ và những nước phát triển khác. Ở Mỹ, đa số những người cho máu là tình nguyện và được theo dõi về sức khoẻ. Ở những nơi cho và bán máu căn cứ trên lợi nhuận, tỷ số những người có khả năng bị các bệnh nhiễm càng cao thì sự an toàn của các máu được dùng càng giảm, dù là người cho vẫn được screen cẩn thận.Một số nơi, người bệnh nhiễm dù biết mình có thể mang bệnh vẫn cố tình tình nguyện cho máu chỉ với mục đích thử máu không tốn tiền. Nếu các biện pháp screen bị lơ là, không đúng tiêu chuẩn, kết quả càng tệ hại hơn và trở thành rất nguy hiểm.

Đối với Việt nam và các xứ khác đang phát triển nhu China, Pakistan, Ấn Độ, nguy cơ có thể cao hơn nhiều. Một khảo cứu công bố năm 2002,cho thấy gần 45% máu dùng ở các xứ này không được thử HIV, HBV, HCV trước khi truyền cho bệnh nhân, gây cho hàng trăm ngàn người nhiễm HIV ( Annals of Internal Medicine 2002;136:312-319).

Gần đây hơn (2010-2011), ở Ấn Độ, gần 100 trẻ em nghèo ở bang Gujarat bị nhiễm HIV vì truyền máu không được kiểm soát không kỹ.

Do gia đình nạn nhân khiếu nại, hiện nay chính phủ Ấn đang xét lại có cần áp dụng những thử nghiệm mới truy tầm acid nhân (PCR)mới hay không.

Ở Việt nam, theo công bố chính thức năm 1997, có trên 100 người mắc HIV do truyền máu. Tôi không biết tình trạng hiện nay ra sao.(http://www.bloodbook.com/safety-art.html)

(3) Chúng ta cần phân biệt:

1) Máu và các thành phần máu (blood and blood components):
Máu được rút ra từ những người tình nguyện hiến máu (volunteer donors), và máu được tách ra nhiều thành phần khác nhau: hồng cầu, bạch cầu, huyết tương (plasma), tiểu bảng (platelets).

2) Các chất chế biến từ huyết tương (plasma derivatives). Người ta dùng plasma từ nhiều người (pooled plasma) trộn lại (hàng ngàn người ), và từ đó rút ra những protein có những công dụng đặc biệt như Gamma Globulin (giúp chống các loại nhiễm trùng), các yếu tố đông máu (giúp những người thiếu các yếu tố này, vd. như bệnh huyết hữu, hemophilia, dễ bị chảy máu, thiếu yếu tố đông máu VII-VIII).

Người ta cũng có thể dùng một phương pháp gọi là apheresis, máu người hiến tặng được cho chảy vào máy "lọc'', máy rút ra và giữ lại những thành phần cần thiết như tiểu bảng, hồng cầu, huyết tương (plasma); phần máu còn lại được trả về hệ tuần hoàn (mạch máu) người cho.

• Do từ máu hàng ngàn người chung lại, các plasma derivatives dễ bị nhiễm từ người cho máu. Tuy nhiên các chất derivative này có thể chịu đựng những biện pháp diệt virus mà không bị hư hại.

• Khác với máu và các sản phẩm máu, dễ bị hư hại nếu áp dụng những biện pháp khử virus (virus inactivation process) tương tự. Chỉ có một số tác nhân gây bệnh như prions, hay một số virus mà vỏ bọc không phải là mỡ (non- lipid enveloped viruses) là có thể thoát các biện pháp này.

• Trong thập niên 1990, tỉnh Hà Nam (Henan, China), việc “thu hoạch” plasma trong dân chúng để sản xuất chế biến các sản phẩm plasma derivatives tại Trung quốc (“blood plasma economy”) bị lạm dụng và không đúng tiêu chuẩn (không screen người cho máu, dùng lại kim cũ, trộn lẫn máu người này với máu người khác, gian lận hồ sơ); hàng trăm ngàn người cho máu bị lây nhiễm HIV, và đây là một bài học lịch sử cho kỷ nghệ khai thác sản phẩm lấy ra từ máu.

(4) Những biện pháp screen người cho máu sau đây cũng được áp dụng để ngăn ngừa bệnh truyền qua bằng máu truyền:

• Trước đây có cho máu không, có bị hoãn lại không
• Sức khoẻ tổng quát, có bị sốt không, có bệnh gì không lúc cho máu
• Cho người hiến máu cơ hôi rút lui mà không cần tiết lộ lý do (Donor confidential unit exclusion option)
• Báo cho người lấy máu biết những triệu chứng, bệnh (nóng, tiêu chảy,...) xảy ra sau khi lấy máu.

Bệnh sử:

• Những yếu tố nguy cơ cao (high risk factors) như tính dục với nhiều người, dùng kim chích drug
• Từng du lịch, đến từ những vùng bị bệnh ký sinh trùng (như sốt rét..)
• Trong quá khứ từng mắc bệnh HIV, HBV, HCV,bệnh ký sinh trùng..
• Từng bị phơi nhiễm qua đường kim chích, máu (previous parenteral exposure) trong quá khứ do bản thân được truyền máu, tiếp xúc với bệnh qua nghề nghiệp..
• Ngoài ra, máu cũng được screen để loại bỏ khả năng nhiễm môt số vi khuẩn, nhiễm giang mai (syphilis, người cho máu được thử 4 tháng một lần), và một số virus khác.
• Năm 2006, USPSTF (Nhóm đặc nhiệm dịch vụ phòng nhừa Mỹ) khuyên nên y giới nên cho mọi người từ 15-64 tuổi thử HIV một lần. Những người có cơ nguy cao (high risk) như mãi dâm (sex workers), dùng thuốc chích bất hợp pháp (injected drug use), đồng tính (nam với nam, "MSM"), người cần truyền máu đều đặn, nên thử tối thiểu hằng năm.

(Ref: Red Book 2009, Report of the Committee on Infectious Diseases, American Academy of Pediatrics.)

Cuộc nói chuyện này hoàn toàn chỉ mục đích thông tin, bệnh nhân cần tham khảo với bác sĩ của mình.

Chúc bệnh nhân may mắn.

Bs Ho Van Hien
(Hien V. Ho, MD, FAAP)

-------------------------------------

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi Đáp Y Học này.

Quý vị có thể nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com, bấm vào mục Hỏi Đáp Y Học trong phần chuyên mục. Các bài giải đáp y học khác cũng được lưu trữ trong phần này.

Chúng tôi vẫn dành đường dây điện thoại miễn phí để tiếp nhận các thắc mắc khác của quý thính giả về sức khỏe và y học thường thức. Số điện thoại miễn phí dành cho mục Hỏi Đáp Y học là 202-205-7890, ngày giờ nhận câu hỏi là thứ ba và thứ năm mỗi tuần, từ 8 giờ 30 đến 9 giờ 30 tối, giờ Việt Nam. Quý vị cũng có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi qua điện thư ở địa chỉ Vietnamese@voanews.com.

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG