Đường dẫn truy cập

Học giả Úc hối thúc chính phủ điều giải vụ tranh chấp Biển Đông


Ảnh chụp ngày 20 Tháng 7, 2012 cho thấy đoàn tàu đánh cá của Trung Quốc gần Bãi đá Vĩnh Thử thuộc quần đảo Trường Sa, đi kèm đoàn tàu cá là tàu hộ tống có trọng tải 3.000 tấn và một tàu của chính phủ làm công tác bảo vệ
Ảnh chụp ngày 20 Tháng 7, 2012 cho thấy đoàn tàu đánh cá của Trung Quốc gần Bãi đá Vĩnh Thử thuộc quần đảo Trường Sa, đi kèm đoàn tàu cá là tàu hộ tống có trọng tải 3.000 tấn và một tàu của chính phủ làm công tác bảo vệ
Một học giả Úc nói rằng chính phủ ở Canberra nên làm nhiều hơn nữa để giúp giảm thiểu những mối căng thẳng ở Biển Ðông, nơi vụ tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á có thể dẫn tới một vụ xung đột giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc. Tiến sĩ Michael Wesley của Viện Lowy nói rằng nước Úc nên dựa vào những mối quan hệ gần gũi với cả Washington lẫn Bắc Kinh để điều giải một thỏa hiệp cho vụ tranh chấp này. Từ Sydney, thông tín viên VOA Phil Mercer gởi về bài tường thuật sau đây.

Những vụ tranh giành chủ quyền lãnh thổ ở biển Nam Trung Hoa mà Việt Nam gọi là Biển Đông đã xảy ra từ hàng trăm năm nay. Nhưng sự tăng mạnh của những mối căng thẳng trong thời gian gần đây đã khiến nhiều người e rằng một cuộc xung đột vũ trang có thể bùng ra ở khu vực trọng yếu cho hoạt động hàng hải quốc tế này.

Trung Quốc dựa vào các yếu tố lịch sử để đòi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông và cho rằng hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa mà Việt Nam gọi là Hoàng Sa và Trường Sa từng là những bộ phận trọng yếu của đất nước Trung Quốc.

Luận cứ đó của Trung Quốc gặp phải sự phản bác mạnh mẽ của Việt Nam và Philippines.

Tiến sĩ Michael Wesley, Giám đốc Viện Chính sách Quốc tế Lowy ở Sydney, cho rằng những mối căng thẳng hồi gần đây làm gia tăng khả năng xảy ra bạo động ở khu vực. Ông nói thêm rằng vụ tranh chấp chủ quyền Biển Đông có thể gây ra những tác động có tính chất toàn cầu.

Tiến sĩ Wesleynói: "Ở mức độ thứ nhất thì đây là những vụ tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á. Và mức độ thứ nhì thì đây là một vụ tranh chấp giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ về điều kiện để tàu bè thông qua hải lộ này. Đây là hải lộ chiếm đến 1/3 khối lượng hàng hóa chuyên chở bằng đường biển trên toàn thế giới. Và theo tôi, có một khả năng thực sự là xung đột có thể bùng ra vì các lực lượng biển thiếu kinh nghiệm, những lực lượng có ít hoặc không có sự hiểu biết lẫn nhau về cách thức xử lý những vụ việc trên biển."

Tiến sĩ Wesley kêu gọi nước Úc, là nước có một mối quan hệ quân sự mật thiết với Hoa Kỳ và một mối quan hệ kinh tế gần gũi với Trung Quốc, hãy làm nhiều hơn nữa để điều giải cho một thỏa hiệp về vấn đề Biển Đông.

Ông Wesley nói tiếp: "Quả thật là nước Úc cần phải quan tâm nhiều hơn tới vấn đề này. Khoảng 54% lượng thương mại của Úc thông qua Biển Đông, và điều thật sự quan trọng đối với nước Úc ở đây là kết cục của vụ giằng co giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể có một tác động thật sự tới sự cân bằng chiến lược ở Thái Bình Dương. Cho nên chúng ta có những quyền lợi thật sự to lớn ở đây."

Theo nhận định của Tiến sĩ Wesley, những mối căng thẳng ở Biển Đông đang làm cho hai nước cùng theo chủ nghĩa Cộng Sản là Trung Quốc và Việt Nam chống đối nhau, thúc đẩy hai nước vốn là kẻ thù là Trung Quốc và Đài Loan đoàn kết với nhau, và khiến cho Hoa Kỳ quay lại hợp tác với Việt Nam.

Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, tức ASEAN, đang tiếp tục tìm kiếm những ý tưởng mới đề giải quyết vụ tranh chấp này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG