Đường dẫn truy cập

Pakistan: Hòa đàm có thể giảm bớt bạo động ở Afghanistan


Lực lượng an ninh Afghanistan xem xét hiện trường một vụ tấn công tại cổng chính của sân bay quốc tế Hamed Karzai ở Kabul, Afghanistan, ngày 10/8/2015.
Lực lượng an ninh Afghanistan xem xét hiện trường một vụ tấn công tại cổng chính của sân bay quốc tế Hamed Karzai ở Kabul, Afghanistan, ngày 10/8/2015.

Phe nổi dậy Taliban đã giết chết mấy mươi người trong những vụ đánh bom tự sát và những vụ nổ bom khác tại Afghanistan trong vài ngày qua. Bạo động đã gia tăng, đặc biệt kể từ khi cái chết của Mullah Omar, thủ lĩnh lâu năm của phe nổi dậy Hồi Giáo, được tiết lộ cách đây hai tuần. Nước láng giềng Pakistan cho biết việc gia tăng mạnh mẽ những cuộc tấn công khủng bố làm nhiều người chết tại Afghanistan, mà Islamabad lên án, nêu bật sự cần thiết phải có những cuộc hòa đàm giữa chính phủ Afghanistan và Taliban. Thông tín viên Ayaz Gul tường trình từ Islamabad.

Afghanistan lại một lần nữa đổ lỗi cho Pakistan, cáo buộc nước láng giềng không ngăn cản Taliban sử dụng lãnh thổ của nước này để mở những cuộc tấn công.

Cố vấn an ninh quốc gia Pakistan Sartaj Aziz bác bỏ những cáo buộc này. Ông cho rằng có “nhiều phe phái chủ chiến’ hoạt động tại Afghanistan, làm cho khó xác định phe nào đứng đằng sau những vụ đổ máu này.

“Chúng tôi cực lực lên án tất cả những vụ tấn công khủng bố tại Kabul và tại những nơi khác ở Afghanistan và chúng tôi thường xuyên làm việc với chính phủ Afghanistan để cố gắng hạn chế những hoạt động xuyên biên giới để không có những phần từ khủng bố đi từ bên này sang phía bên kia để mở các cuộc tấn công.”

Pakistan làm trung gian và tổ chức những cuộc thảo luận sơ khởi giữa chính phủ Afghanistan và các giới chức Taliban vào đầu tháng 7. Tuy nhiên cái chết của Mullah Omar khiến cho phe nổi dậy rút khỏi vòng đàm phán kế tiếp.

Ông Aziz nói Pakistan chỉ có thể thuyết phục Taliban trở lại thảo luận với chính phủ Afghanistan khi nào tổ chức này giải quyết xong vấn đề lãnh đạo.

“Chúng tôi lẽ dĩ nhiên đang hối thúc Taliban đàm phán thay vì chiến đấu, vì chiến tranh không phải là giải pháp. Tôi nghĩ vòng đàm phán đầu tiên rất hữu ích và tôi hy vọng vòng đàm phán thứ hai sẽ diễn ra một khi vấn đề lãnh đạo được quyết định, bởi vì vấn đề họ đại diện cho ai hiện chưa được rõ và cũng chưa biết được có sự đồng thuận trong giới lãnh đạo mới hay không.”

Phe Taliban đã nhanh chóng loan báo Mullah Akhtar Mansoor, phụ tá cho Mullah Omar, là nhà lãnh đạo mới. Tuy nhiên động thái này gây nên chia rẽ và các lãnh tụ cao cấp đã nêu nghi vấn về sự chính đáng của ông Mansoor. Nhà lãnh đạo mới đã cam kết tiếp tục cuộc nổi dậy.

Hôm qua, các giới chức an ninh cao cấp Pakistan nói với Đài VOA là dù có những mưu toan của “những người phá đám và gièm pha” tại Afghanistan để làm hại sự hợp tác song phương, các nhà lãnh đạo của cả hai nước vẫn giao tiếp chặt chẽ để đẩy mạnh tiến trình hòa giải.

Các giới chức yêu cầu được giấu tên nói rằng Pakistan đang làm việc với “sự thành thực hết mức” và “chắc chắn” về tương lai của các cuộc hòa đàm Afghanistan. Những người này nói thêm là những cuộc thảo luận của Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani với Tổng tư lệnh quân đội Pakistan Đại tướng Raheel Sharif tiếp theo cái chết của Mullah Omar được tiết lộ là “vô cùng tích cực ” và cả hai bên “đang đi đúng hướng.”

Khi phát biểu tại Washington hồi tuần trước, Đại tướng John Campbell của Mỹ, Tư lệnh lực lượng NATO tại Afghanistan, cũng ca ngợi vai trò của Pakistan trong việc tăng tiến hòa bình tại Afghanistan. Ông nói Tư lệnh quân đội Pakistan và các nhà lãnh đạo Afghanistan dường như có quyết tâm đẩy mạnh sự hợp tác để chống khủng bố và tăng tiến ổn định trong vùng.

“Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy một nỗ lực có phối hợp của Pakistan để tiếp tục thúc đẩy Taliban ngồi vào bàn hội nghị để thực sự giảm bớt bạo động trong vài tháng sắp tới. Tổng thống Ghani đã rất mạnh mẽ khi ông đưa ra cho Tướng Raheel một vài yêu cầu cụ thể để Pakistan phải quyết định là họ cần phải làm gì để chứng tỏ sự thành thật của những tuyên bố mới đây.”

Tuy nhiên Đại tướng Campbell đồng ý với nhận định của nhiều người là “sự rạn nứt trong hàng ngũ Taliban tiếp sau cái chết của nhà lãnh đạo tinh thần của tổ chức này có thể cản trở những nỗ lực nhằm đưa phe Taliban đến bàn hội nghị với chính phủ Ghani và có thể làm cho bạo động tăng mạnh tại Afghanistan.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG