Đường dẫn truy cập

Hình ảnh cậu bé chết đuối gây phẫn nộ khắp châu Âu


Hình ảnh cái chết thảm thương của cậu bé 3 tuổi người Syria đã gây phẫn nộ khắp châu Âu.
Hình ảnh cái chết thảm thương của cậu bé 3 tuổi người Syria đã gây phẫn nộ khắp châu Âu.

Hình ảnh thảm thương của cậu bé 3 tuổi người Syria bị chết đuối dạt vào một bờ biển của Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã khích động các nhà lãnh đạo Âu châu phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết vụ khủng hoảng tị nạn. Pháp, Đức và Italia đã đưa ra lời kêu gọi chung hôm qua đề nghị những quota bắt buộc về số người tị nạn cho tất cả các quốc gia EU, nhưng đã xảy ra những cảnh hỗn loạn ở Hungari khi cảnh sát tìm cách buộc dân di trú rời khỏi một chuyến xe lửa rời ga đi Áo. Từ London, thông tín viên VOA Henry Ridgwell gửi về bài tường thuật.

Bé trai đã chết mặc quần short và một chiếc áo thun, mặt úp xuống cát. Em cùng với anh trai và mẹ và nhiều người khác đã chết đuối trong khi tìm cách đến Hy Lạp hôm thứ Tư.

Bé trai - địa phương gọi tên là Aylan Kurdi, xuất xứ ở Kobani, Syria - mau chóng trở thành một biểu tượng cho sự thất bại của châu Âu trong việc giải quyết vụ khủng hoảng, theo nhận định của tổ chức Ân xá Quốc tế.

Di dân tiếp tục lên đường từ các bờ biển của Thổ Nhĩ Kỳ để đi Hy Lạp, 23.000 người trong tuần trước. Như nhiều người đồng hương Syria, ông Muhammad al-Murati kể lại những câu chuyện khủng khiếp.

Ông Al-Murati nói nhà của ông, nơi ông đã dành cả đời mơ ước xây lên và đã xây bằng tiền bạc và công khó của chính mình, đã bị tiêu hủy bởi một quả bom thùng mà Tổng thống Syria Bashar al- Assad đã ném xuống từ một chiếc máy bay. Mọi thứ đã bị tiêu hủy: tương lai, quá khứ và hiện tại. Ông nói Syria nay không còn nữa.

Tuyến đường đến Tây Âu chạy ngang qua vùng Balkans và Hungari - là nước từ chối không để cho người tị nạn đi qua.

Các vụ xung đột bùng ra hôm thứ Năm khi cảnh sát chống bạo động ở Hungari tìm cách buộc mấy trăm di dân ra khỏi một chuyến tàu sắp lên đường đi Áo. Các ký giả bị buộc rời khỏi khu vực.

Hungari nói đó là vấn đề của Berlin. Đức, Pháp và Italia đều kêu gọi một sự phân phối bắt buộc và công bằng về người tị nạn ở khắp châu Âu. Khi đề cập đến em bé trai bị chết đuối, Tổng thống Pháp Francois Hollande nói đã đến lúc phải hành động.

Bị chỉ trích vì từ chối không nhận một phần lớn hơn, Anh Quốc cho hay sẽ chu toàn các nghĩa vụ đạo đức của mình.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG