Đường dẫn truy cập

Hành động của tân chính phủ Ai Cập sẽ định đoạt số phận của phe Hồi giáo


Ông Abdel-Fattah el-Sissi đến một trạm bầu cử tại thủ đô Cairo, Ai Cập, ngày 26/05/2014
Ông Abdel-Fattah el-Sissi đến một trạm bầu cử tại thủ đô Cairo, Ai Cập, ngày 26/05/2014
Cuộc bầu cử đang diễn ra ở Ai Cập có phần chắc sẽ đưa một chính khách thân quân đội lên giữ chức tổng thống. Các nhà phân tích cho rằng Huynh đệ Hồi giáo, có thời là đảng mạnh nhất Ai Cập, có thể bị đánh bại và bị chia rẽ; nhưng họ cũng nói rằng các đảng của phe Hồi giáo sẽ luôn luôn có một vai trò trên chính trường Ai Cập. Từ Cairo thông tín viên Heather Murdock của đài VOA gởi về bài tường thuật.

Trong năm vừa qua, Ai Cập được mô tả trong các bản tin thế giới là một đất nước 'bị phân cực': một bên là những người ủng hộ quân đội và bên kia là những người ủng hộ phong trào Huynh đệ Hồi giáo.

Tuần này quân đội sẽ giành được thắng lợi vì cựu tư lệnh quân đội Abdel Fattah al-Sisi có phần chắc sẽ lên giữ chức tổng thống sau cuộc đầu phiếu trong hai ngày thứ hai và thứ ba.

Huynh đệ Hồi giáo, đảng theo chủ trương Hồi giáo, của tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi, giờ đây đã bị cấm hoạt động vì bị chính quyền xếp vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Ông Wael Eskandar là một blogger người Ai Cập, chuyên viết về nhân quyền và chính trị. Ông cho rằng sự cai trị của ông Morsi bị đa số dân chúng chỉ trích, và cho tới nay, người dân ở đây vẫn chưa tha thứ cho Huynh đệ Hồi giáo.
Những người ủng hộ Huynh đệ Hồi giáo và các phe phái Hồi giáo khác bị giam giữ vì những tội trạng khác nhau.
Những người ủng hộ Huynh đệ Hồi giáo và các phe phái Hồi giáo khác bị giam giữ vì những tội trạng khác nhau.

Vào lúc này họ vẫn bị công chúng Ai Cập bác bỏ bởi vì họ là một mối đe dọa cho bản sắc của chính họ. Khi còn nắm quyền họ đã hành xử một cách thật tệ hại, họ đã không mang lại một sự thay đổi nào.

Ông Eskandar nói rằng việc trước tiên mà Huynh đệ Hồi giáo cần làm để sống còn là lấy lại niềm tin của người dân. Ông cho rằng trong bầu không khí chính trị hiện nay, điều đó phụ thuộc phần lớn vào sự thành, bại của tân chính phủ trong hai lĩnh vực chính: nếu chính phủ mới không chấn hưng được nền kinh tế đất nước hoặc không tôn trọng nhân quyền, dân chúng có lẽ sẽ quay lại để tìm kiếm sự ủng hộ của phe Huynh đệ Hồi giáo.

Cần phải có sự thất bại của nhà nước để người dân thông cảm với họ về mặt chính trị, bởi vì họ sẽ là phe đối lập mà người dân trông cậy, khi dân chúng bị bắt bớ, bị đánh đập, và người dân không thể thông qua các kênh pháp luật để lấy lại những gì thuộc về mình.

Dưới sự cai trị của ông Sissi, hàng ngàn thành viên của Huynh đệ Hồi giáo bị giết hại hoặc bị giam cầm. Các nhóm đối lập có liên hệ với Huynh đệ Hồi giáo cũng bị cấm hoạt động, các nhà báo bị bỏ tù và những hoạt động biểu tình chống đối bị hạn chế rất nghiêm nhặt.

Ông Mohammad Othman là ủy viên bộ chính trị của đảng Ai Cập Hùng cường, một đảng không về phe quân đội mà cũng không về phe Huynh đệ Hồi giáo. Ông nhận định như sau về tình hình hiện nay của Huynh đệ Hồi giáo.

Ông Othman nói rằng vụ đàn áp Huynh đệ Hồi giáo cũng đã làm cho nhóm này mạnh hơn, bởi vì mặc dầu công chúng không có cảm tình với Huynh đệ Hồi giáo về mặt chính trị, nhưng sự thông cảm của người dân đối với nhóm này về mặt cá nhân đang trên đà gia tăng.

Mặc dù vậy, các mối quan hệ liên minh trên chính trường Ai Cập đã có sự thay đổi. Đảng al-Nour của phe Hồi giáo cùng với các nhân vật lãnh đạo của người Công giáo Coptic đang ủng hộ cho ông Sissi. Huynh đệ Hồi giáo cùng với một số đảng phái không thuộc phe Hồi giáo đã kêu gọi dân chúng tẩy chay cuộc bầu cử.

Ông Ishak Ibrahim là một chuyên gia về tự do tôn giáo của một tổ chức tranh đấu nhân quyền ở Ai Cập có tên là Sáng kiến về Quyền Cá nhân. Ông nói rằng những sự chia rẽ đó giúp cho ông Sissi củng cố cơ sở quyền lực của mình, mặc dù sự ủng hộ của công chúng dành cho ông đã sút giảm trong vài tháng vừa qua.

Ông Ibrahim nói rằng tuy phe Hồi giáo đã và sẽ luôn luôn có một vai trò trong sinh hoạt chính trị Ai Cập, nhưng phong trào Huynh đệ Hồi giáo cũng cần phải chỉnh đốn lại hình ảnh của mình để có thể tranh thủ đồng minh.

Năm 2011, các nhóm tranh đấu của giới trẻ đã cộng tác với Huynh đệ Hồi giáo trong cuộc nổi dậy lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak. Nhưng sau khi cảm thấy thất vọng đối với sự cai trị của ông Morsi, nhiều nhà tranh đấu trẻ thoạt đầu đã quay sang ủng hộ ông Sissi. Giờ đây, nhiều người trong số đó đã thay đổi ý kiến và họ tuyên bố không ủng hộ phe quân đội mà cũng chẳng hậu thuẫn cho phe Hồi giáo.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG