Đường dẫn truy cập

Hàng viện trợ chờ ông Assad cho vào Syria


The sun rises behind the 'Eiserne Steg' (Iron Footbridge) pedestrian bridge in Frankfurt, Germany.
The sun rises behind the 'Eiserne Steg' (Iron Footbridge) pedestrian bridge in Frankfurt, Germany.

Thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ và Nga điều giải dường như đang có hiệu lực trên phần lớn đất nước Syria nơi chìm đắm trong chiến tranh, nhưng việc đưa cứu trợ nhân đạo đến các thành phố và khu vực bị vây hãm vẫn chưa tiến hành được trong lúc chính phủ Syria kiên quyết rằng cứu trợ nhân đạo ở thành phố Aleppo cần phải được phối hợp với chính phủ ở Damascus.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon tìm cách đả thông bế tắc, ngày 14/9 hối thúc Washington và Moscow thúc đẩy tất cả các bên tham chiến ở Syria nhất trí về hành lang an toàn để đưa hàng viện trợ vào.

“Tối quan trọng là những sự dàn xếp an ninh cần thiết phải được thống nhất,” ông Ban nói. “Tôi đã thúc giục chính phủ Nga dùng ảnh hưởng của họ đối với chính phủ Syria và phía Mỹ cũng phải đảm bảo rằng các nhóm võ trang ở Syria cũng hợp tác toàn diện.”

Lời kêu gọi của ông Ban không mấy có tác động tức thì. Những chiếc xe tải chở đầy thực phẩm tiếp tế đủ dùng trong 1 tháng cho 40 ngàn người đang bị kẹt ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ dù truyền thông Nga loan tin rằng một số hàng tiếp tế đã được lực lượng Nga phân phối tại các vùng do chính phủ Syria kiểm soát tại Homs.

Các phần tử nổi dậy điều khiển phương tiện ở Jubata al-Khashab, Quneitra, Syria, ngày 11 tháng 9 năm 2016.
Các phần tử nổi dậy điều khiển phương tiện ở Jubata al-Khashab, Quneitra, Syria, ngày 11 tháng 9 năm 2016.

Bạo động giảm đáng kể

Các tổ chức cứu trợ nói rằng họ đang chờ một hành lang an toàn cho cứu trợ nhân đạo được bảo đảm, không chỉ từ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad thôi, mà còn từ các bên tham chiến khác.

Ðặc sứ Liên Hiệp Quốc về Syria, ông Staffan de Mistura, nói với các phóng viên báo chí ở Geneva rằng “bạo động đã giảm đáng kể, tình hình cải thiện rất nhiều, và không có các cuộc oanh kích.”

Nhưng ông Mistura nói thêm rằng cứu trợ nhân đạo chưa được phân phối bởi vì chính phủ Syria vẫn chưa cấp phép cho Liên Hiệp Quốc, mặc dù ông bày tỏ hy vọng rằng các đoàn xe cứu trợ đang chờ ở biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ có thể phân phối hàng cứu trợ nội trong ngày hôm nay, thứ Tư, cho khoảng 250.000 thường dân theo ước tính đang ở trong các khu vực phía đông thành phố Aleppo do phe nổi dậy kiểm soát.

Các nhà hoạt động tỏ ra hoài nghi về khả năng lệnh ngừng bắn được tuân thủ.

Bà Jens Laerke, một người phát ngôn của văn phòng nhân đạo của Liên Hiệp Quốc nói: “Chúng tôi cần đi vào những nơi mà không bị nguy hiểm của pháo kích đe dọa.” Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, hơn nửa triệu người Syria đang ở trong các khu vực bị vây hãm.

Một cậu bé Syria mang một khẩu súng đồ chơi đi qua một tòa nhà bị phá hủy ở thành phố Qamishli, ngày 13 tháng 9 năm 2016.
Một cậu bé Syria mang một khẩu súng đồ chơi đi qua một tòa nhà bị phá hủy ở thành phố Qamishli, ngày 13 tháng 9 năm 2016.

Những cuộc giao tranh nhỏ lẻ vẫn xảy ra

Kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực vào lúc mặt trời lặn hôm thứ Hai, trùng với thời điểm bắt đầu lễ Eid al-Adha của Hồi giáo, các nhóm nổi dậy và bên chính phủ của Tổng thống Assad tố cáo qua lại những vụ vi phạm lệnh ngừng bắn rải rác tại một số nơi, mặc dù không có báo cáo về thương vong ở thường dân. Các giới chức quân sự Nga tố cáo các nhóm nổi dậy được Mỹ hậu thuẫn đã vi phạm gần 20 lần trên đường Castello, một trục đường quan trọng dẫn đến những nơi trong thành phố Aleppo do phe nổi dậy kiểm soát.

Một nhóm quan sát thân với phe đối lập, Ðài quan sát Nhân quyền Syria, nói rằng các lực lượng thân chính phủ đã pháo kích vào hai làng ở tỉnh Aleppo và các vùng phụ cận của thủ đô Damascus, và không kích tỉnh Hama ở miền bắc.

Các phe nhóm nổi dậy vẫn không tin tưởng thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ và Nga điều giải này. Trong một thông báo của hơn 20 nhóm nổi dậy, trong đó có nhóm vũ trang Quân đội Giải phóng Syria, được Washington hậu thuẫn, nói rằng họ hoàn toàn “cảnh giác trước cái bẫy của thỏa hiệp hoặc dụ chúng tôi vào chỗ kình chống để chia rẽ chúng tôi.”

Các nhóm nổi dậy cũng chỉ trích việc Mỹ và Nga đề nghị phối hợp oanh kích các mục tiêu của nhóm Jabhat Fateh al-Sham trước đây liên kết với al-Qaida với tên gọi vào lúc đó là Jabhat al-Nusra. Các nhóm nổi dậy nói rằng “Điều này sẽ làm suy yếu cánh quân sự của cuộc cánh mạng và tăng cường cho chế độ Assad và các đồng minh của chế độ đó.”

Nếu thỏa thuận ngừng bắn được tôn trọng trong một tuần, Mỹ và Nga sẽ bắt đầu chiến dịch không kích phối hợp chống Nhà nước Hồi giáo và nhóm dân quân Mặt trận al-Nusra.

Cuộc nội chiến kéo dài 5 năm qua ở Syria đã làm hàng trăm ngàn người thiệt mạng và tạo ra khoảng 12 triệu người tị nạn, và gây ra một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG