Đường dẫn truy cập

Hàn Quốc điều tra hàng trăm vụ nhận con nuôi tình nghi gian lận


Nhà hoạt động Peter Moller đồng lãnh đạo Nhóm Quyền Hàn Quốc Đan Mạch họp báo tại Seoul ngày 23/8/2022 yêu cầu chính phủ điều tra về tham nhũng, sai trái trong hệ thống cho phép người nước ngoài nhận con nuôi Hàn Quốc.
Nhà hoạt động Peter Moller đồng lãnh đạo Nhóm Quyền Hàn Quốc Đan Mạch họp báo tại Seoul ngày 23/8/2022 yêu cầu chính phủ điều tra về tham nhũng, sai trái trong hệ thống cho phép người nước ngoài nhận con nuôi Hàn Quốc.

Ủy ban Sự thật và Hòa giải Hàn Quốc ngày 8/6 cho biết sẽ điều tra thêm 237 trường hợp những người được nhận làm con nuôi gốc Hàn tình nghi lai lịch của họ bị chỉnh sửa để tạo điều kiện cho họ được nhận làm con nuôi ở Âu Châu và Hoa Kỳ.

Các trường hợp mới trong cuộc điều tra mở rộng của ủy ban về sự bùng nổ nhận con nuôi Hàn Quốc liên quan đến những người được nhận làm con nuôi ở 11 quốc gia bao gồm Hoa Kỳ, Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển, những người được nhận làm con nuôi từ năm 1960 đến năm 1990. Năm ngoái, hơn 370 người được nhận làm con nuôi từ Châu Âu, Bắc Mỹ và Úc đã nộp đơn yêu cầu điều tra trường hợp của họ.

Khi ủy ban nói sẽ điều tra 34 trường hợp đầu tiên vào tháng 12, họ nói hồ sơ của nhiều người được các gia đình phương Tây nhận làm con nuôi rõ ràng đã bị chỉnh sửa và mô tả sai họ là trẻ mồ côi hoặc ngụy tạo danh tính của họ bằng cách mượn thông tin chi tiết của một người thứ ba.

Ủy ban cho biết hầu hết những người nộp đơn khiếu nại nói rằng việc họ được nhận làm con nuôi dựa trên hồ sơ giả nhằm thay đổi lai lịch nguồn gốc để đảm bảo khả năng được nhận con nuôi và đẩy nhanh việc chuyển giao quyền nuôi con qua biên giới. Một số người nạp đơn yêu cầu ủy ban xem xét tình trạng bạo hành mà họ nói rằng họ đã trải qua tại các trại trẻ mồ côi ở Hàn Quốc hoặc dưới sự chăm sóc của cha mẹ nuôi người nước ngoài.

Những phát hiện sắp tới của ủy ban có thể cho phép những người được nhận làm con nuôi thực hiện các hành động pháp lý chống lại các cơ quan hoặc chính phủ.

Trong số 271 trường hợp được ủy ban chấp nhận cho đến nay có 141 trường hợp là những người con nuôi Đan Mạch, trong đó có các thành viên của Nhóm Quyền Hàn Quốc Đan Mạch do nhà hoạt động Peter Moller đồng lãnh đạo. Các trường hợp khác được ủy ban chấp nhận bao gồm trường hợp của 28 người con nuôi Mỹ và 21 người con nuôi Thụy Điển, các quan chức cho biết.

Theo các quan chức, ủy ban đang xem xét đơn theo thứ tự được gửi và có khả năng sẽ điều tra 101 trường hợp còn lại.

Khoảng 200.000 người Hàn Quốc, chủ yếu là trẻ em gái, đã được nhận làm con nuôi ở phương Tây trong 6 thập niên qua, tạo nên cộng đồng người được nhận làm con nuôi lớn nhất thế giới.

Hầu hết được kết hợp với cha mẹ là người da trắng ở Hoa Kỳ và Châu Âu trong những năm 1970 và 1980. Hàn Quốc lúc đó bị cai trị bởi sự nối tiếp của các chế độ độc tài quân sự, vốn chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế và coi việc nhận con nuôi là công cụ để giảm số miệng ăn, xóa bỏ “vấn đề xã hội” của những bà mẹ đơn thân và làm sâu sắc thêm mối quan hệ với phương Tây dân chủ.

Các chính phủ quân sự Hàn Quốc đã thi hành các luật đặc biệt nhằm thúc đẩy việc nhận con nuôi mà trên thực tế đã cho phép các cơ quan phụ trách việc nhận con nuôi bỏ qua các thông lệ từ bỏ trẻ em khi họ gửi hàng ngàn trẻ em sang phương Tây năm này qua năm khác trong thời kỳ hoàng kim của việc nhận con nuôi.

Hầu hết những người được nhận làm con nuôi đều được các cơ quan đăng ký là trẻ mồ côi bị bỏ rơi được tìm thấy trên đường phố, mặc dù các trẻ em đó thường dễ tìm ra thân nhân. Việc đăng ký các em là trẻ mồ côi hay trẻ bụi đời thường khiến khó truy tìm nguồn gốc của các em.

Mãi đến năm 2013, chính phủ Hàn Quốc mới yêu cầu việc nhận con nuôi phải thông qua tòa án gia đình, chấm dứt chính sách kéo dài hàng thập niên cho phép các cơ quan tự biên tự diễn chuyện từ bỏ trẻ em và chuyện chuyển giao quyền giám hộ quốc tế.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG