Đường dẫn truy cập

Người Việt nên đứng ở đâu trong xung đột Israel – Palestine?


Biểu tình tại Mỹ về xung đột Israel và Palestine. Người biểu tình cùng nắm trong tay 2 lá cờ, Israel và Palestine.
Biểu tình tại Mỹ về xung đột Israel và Palestine. Người biểu tình cùng nắm trong tay 2 lá cờ, Israel và Palestine.

Chính quyền Hà Nội từ trước tới nay vẫn ủng hộ Palestine mỗi khi có những cuộc tấn công của Israel vào vùng đất Palestine mà quân đội Do Thái chiếm kể từ cuộc chiến sáu ngày hồi năm 1967.

Trong xung đột hiện nay giữa hai bên, Hà Nội đã “lên án các cuộc tấn công nhằm vào dân thường và các cơ sở hạ tầng dân sự” mà Israel nói nhằm đáp trả việc Hamas, tổ chức bị Israel và nhiều nước coi là khủng bố, phóng hàng ngàn đạn pháo vào các khu dân cư ở Israel.

Nhưng người dân Việt Nam nên đứng ở đâu trong xung đột vốn bắt đầu kể từ khi Israel ra đời ngày 14/5/1948?

Những cuộc tấn công của Hamas và những trận giáng trả gây chết chóc gấp hàng chục lần của quân đội Do Thái khởi nguồn từ những tranh chấp và tranh cãi về đất đai cũng như quyền tới nơi cầu nguyện tại Đông Jerusalem ở Bờ Tây.

Không phải ai cũng ý thức được chuyện Israel đã chiếm Bờ Tây và Dải Gaza, nơi sinh sống của người Palestine, từ tháng 6/1967 và chưa bao giờ trả lại bất chấp Nghị quyết 242 hồi tháng 11/1967 của Liên Hiệp Quốc. Nghị quyết 242 kêu gọi Israel rút khỏi các vùng lãnh thổ họ chiếm được sau chiến thắng trước Ai Cập, Jordan và Syria trong cuộc chiến chóng vánh kéo dài chưa tới một tuần. Trước tháng 6/1967, Jordan cai quản Bờ Tây còn Dải Gaza do Ai Cập quản lý kể từ sau cuộc chiến 1948 với Israel khi người Anh rút đi khỏi Palestine.

Khi cuộc chiến sáu ngày mà Israel nổ súng trước diễn ra, Hoa Kỳ còn đang sa lầy trong cuộc chiến ở Việt Nam và chưa phải là đồng minh gần gũi với nhà nước Do Thái như hiện nay. Chiến thắng nhanh chóng và vang dội của Israel trước các láng giềng Arab đã khiến Hoa Kỳ phải nhìn Israel, khi đó là quốc gia mới 19 tuổi, với con mắt khác hẳn và hiện mỗi năm trợ giúp quân sự của Washington cho Israel lên tới hơn ba tỷ đô la.

Ngày nay Israel vẫn chiếm đóng Bờ Tây và lập hàng trăm chốt kiểm soát khắp nơi và người Palestine nói họ cảm thấy tủi nhục khi bị khám xét toàn thân mỗi khi cần di chuyển trên mảnh đất quê hương. Israel rút quân chiếm đóng khỏi Dải Gaza hồi năm 2005 để tránh tổn thất sinh mạng binh lính.

Nhà nước Do Thái cũng đã phong toả Gaza thành phố có diện tích chỉ hơn 360km2, bằng nửa diện tích Singapore, kể từ năm 2007 sau khi Hamas lên cầm quyền. Israel chỉ cấp phép cho vài trăm người rời Gaza qua ngả Israel mỗi ngày. Số người từ Gaza có thể qua cửa khẩu với Ai Cập, nước thường làm trung gian giữa Hamas và Israel trong các cuộc xung đột trước đây, cũng chỉ ở con số vài trăm mỗi ngày.

Mặc dù Gaza là thành phố biển, ngư dân ở đây từng bị Israel cấm đánh cá và hiện cũng chỉ được ra khơi trong phạm vi không quá 15 hải lý khiến số ngư dân giảm hơn một nửa từ con số 10.000 của nhiều năm trước.

Một nghị quyết khác của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hồi năm 2016 mà Israel tiếp tục vi phạm mang số 2334. Israel tiếp tục cho phép người Do Thái lập các khu định cư tại vùng lãnh thổ chiếm đóng ở Bờ Tây. Số người Israel sống tại hơn 200 khu định cư nay đã lên tới 600.000 và người Palestine nói đây sẽ là cản trở lớn cho đàm phán hoà bình trong tương lai.

Xung đột Israel – Palestine chủ yếu vẫn là xung đột về chủ quyền và quyền con người dù tôn giáo và các cuộc tấn công khủng bố là một phần của xung đột này. Một số nước Arab hiện vẫn không thừa nhận Israel kể từ khi Liên Hiệp Quốc quyết định lấy một phần đất mà ở đó người Arab, chủ yếu là người Palestine, chiếm đa số, trao cho người Do Thái thiểu số. Sau cuộc chiến năm 1948, hơn 700.000 người Palestine đã bị đuổi khỏi quê hương và trở thành người tị nạn. Tới nay những người tị nạn này và hậu duệ của họ đã lên tới bảy triệu. Rất nhiều người trong số họ vẫn đang đòi quyền hồi hương.

Chuyện hiện Israel có chính phủ thiên hữu, vốn ủng hộ việc tiếp tục lập thêm hay mở rộng các khu định cư Do Thái và coi công dân Israel có gốc Palestine như công dân hạng hai, không giúp gì cho tiến trình hoà bình và hoà giải giữa hai bên.

Vậy người Việt nên đứng ở đâu trong xung đột này? Câu trả lời là người Việt nên đứng về phía những người Israel và Palestine ôn hoà và mong muốn có hoà bình và sự bình đẳng cho cả hai bên. Người Việt cũng nên đứng về phía sự thật và họ cần tìm hiểu để hiểu đúng về những gì đang diễn ra ở Trung Đông. Trong bất cứ xã hội và bất cứ cuộc xung đột nào cũng có nhiều người ôn hoà bị thiểu số cực đoan át tiếng. Không ít người Palestine phản đối những hành động của Hamas và nhiều cử tri Israel chán ngấy với chính phủ thiên hữu. Đó là những người cần sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong đó có người Việt.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hùng

    Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook - https://www.facebook.com/haynhi3005/. Các bài viết của Nguyễn Hùng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG